Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang là tâm điểm thế giới

.

Năm 2018, tại diễn đàn An ninh châu Á Shangri-La (Singapore), Ấn Độ đã đưa ra sáng kiến “Tìm kiếm những mối liên kết, hợp tác vì một vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn và rộng mở”. Sáng kiến này nhằm xây dựng một khu vực rộng lớn có mối liên kết chặt chẽ giữa hai đại dương về vai trò trọng yếu cho sự phát triển tương lai. Bà Raphaëlle Khan, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm châu Á, Đại học Harvard (Mỹ), nhận định: “Vấn đề là có sự mất an ninh đang lan rộng cùng với việc tăng chi phí quốc phòng và quân sự hóa mạnh trong vùng. Trung Quốc đang quân sự hóa các quần đảo có tranh chấp. Nói một cách tổng quát, Trung Quốc đang lật lại luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật biển và việc quân sự hóa cũng thể hiện sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc trong vùng”.

Các hoạt động của nhiều nước hướng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở nên sôi động, không chỉ vì tầm quan trọng vị trí địa chiến lược của khu vực, mà còn vì mối lo trật tự an ninh đang có nguy cơ bị đe dọa, nhất là sự trỗi dậy cả về sức mạnh quân sự lẫn kinh tế của Trung Quốc.

Ý tưởng nói trên nhanh chóng được nhiều nước, đặc biệt là phương Tây, hưởng ứng mạnh mẽ. Bộ Tứ (QUAD) gồm Ấn Độ, Mỹ, Úc, Nhật Bản được hình thành và đi vào hoạt động thực chất cho thấy “sức nóng” đã tăng dần.

Ngày 12-3 vừa qua, QUAD nhóm họp để thúc đẩy các mục tiêu chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời để đối phó với những thách thức của thời đại. Cuộc họp này diễn ra khi mối quan hệ giữa các quốc gia QUAD với Trung Quốc xấu đi đáng kể trong năm vừa qua.

Tờ The Global Times của Trung Quốc cảnh báo Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng, hồi sinh QUAD sẽ là “sai lầm chiến lược nghiêm trọng” và Tổng thống Mỹ có nguy cơ “đối đầu chiến lược nghiêm trọng” với Bắc Kinh nếu tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc (?!).

Ở bình diện khác, điều đáng quan tâm là “cuộc chiến công hàm” của Anh, Pháp, Đức gửi Hội đồng Bảo an LHQ. Đây là một bước dứt khoát hơn của 3 cường quốc châu Âu đối với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, nêu đích danh Trung Quốc (khác với bản Tuyên bố chung Pháp - Đức - Anh, công bố ngày 3-8-2019, chỉ nêu thái độ “quan ngại” trước tình hình Biển Đông) mà theo ba nước là có nguy cơ “tạo nên tình trạng mất an ninh và ổn định trong khu vực”. Ba nước cũng công nhận phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế coi bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc là không có giá trị.

Anh, Pháp và Đức cũng ra tuyên bố khẳng định can dự mạnh mẽ và tham gia tích cực vào các vấn đề tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, kể cả việc đưa tàu chiến, tàu sân bay tới Biển Đông, sau khi nhận thấy lợi ích của mình trong vùng biển chiến lược rộng lớn này bị đe dọa. Chẳng hạn, từ năm 2019, Pháp đã có những thay đổi về chiến lược đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi có nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại cho phép Pháp sở hữu diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển rộng thứ hai thế giới (gần 9 triệu km2), chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, về phương diện kinh tế, theo chuyên gia Raphaëlle Khan, 40% hàng nhập khẩu của Pháp ngoài Liên minh châu Âu (EU) là từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và 34% hàng xuất khẩu của Pháp ngoài EU tới khu vực này. Những con số đó có thể lý giải phần nào về mối quan tâm của Pháp đối với một vùng địa chiến lược.

Đặc biệt, EU mới đây đã đưa ra một chiến lược chung về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EU muốn bảo đảm tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các tuyến giao thông hàng hải phải là các tuyến đường “tự do và mở, nơi luật pháp quốc tế triệt để được tôn trọng”. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU không trực tiếp chỉ trích Trung Quốc nhưng khẳng định rõ: “Xu thế hiện nay là cạnh tranh địa - chính trị ngày càng dữ dội, làm gia tăng căng thẳng trong lĩnh vực thương mại và chuỗi cung ứng, cũng như các các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh”.

EU sẽ tăng cường các quan hệ đối tác với khu vực và mong muốn phát triển quan hệ với “các đối tác cùng chia sẻ các giá trị chung” trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Đặc biệt, EU ủng hộ “vai trò trung tâm của khối ASEAN” trong “kiến trúc khu vực”, cũng như tầm quan trọng của cơ chế đối thoại Á - Âu (ASEM), có sự tham gia của Trung Quốc. Đồng thời, EU sẽ tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, phối hợp với các đối tác khu vực để bảo đảm một tiến trình chấn hưng kinh tế - xã hội hậu Covid-19 hướng đến sự phát triển bền vững...

Rõ ràng, sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ với Trung Quốc, sự quan tâm của các nước trên thế giới cho thấy vị trí và tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cả về kinh tế lẫn an ninh. Một khi có sự bất ổn xảy ra, tuyến vận tải về hàng hải, hàng không ở khu vực này bị ngưng trệ sẽ nhanh chóng bẽ gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm cho lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, các nhà quan sát cho rằng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang là tâm điểm của thế giới trong thế kỷ XXI.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.