Trong 7 ngày liên tiếp, Ấn Độ có thêm hơn 130.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Ngày 12-4, con số này được ghi nhận lên đến 168.900 ca - mức kỷ lục của thế giới trong vòng 24 giờ và vượt qua Brazil để xếp thứ hai về tổng số ca nhiễm.
Các tín đồ tập trung cầu nguyện sau khi ngâm mình ở sông Hằng tại thành phố Haridwar.Ảnh: AFP/Getty Images |
Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến ngày 12-4, Ấn Độ có tổng cộng hơn 13,5 triệu ca nhiễm, xếp thứ hai thế giới (sau Mỹ). Trong khi đó, Mỹ ghi nhận 31,9 triệu ca nhiễm; Brazil có 13,4 triệu ca nhiễm.
Về số trường hợp tử vong do Covid-19, Ấn Độ ngày 12-4 có thêm 904 ca, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 170.000, xếp thứ tư thế giới (sau Mỹ, Brazil và Mexico).
Hãng tin AP cho biết, ngày 4-4, lần đầu tiên quốc gia có 1,3 tỷ dân ghi nhận số ca nhiễm mới vượt mốc 100.000 ca. Sau đó, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng vọt, trong 7 ngày gần đây liên tiếp ghi nhận trung bình hơn 130.000 ca/ngày. Theo thống kê của AFP, trong 7 ngày liên tiếp này, Ấn Độ có hơn 873.000 ca nhiễm, tăng 70% so với tuần trước đó.
Các bệnh viện trên khắp đất nước rơi vào tình trạng quá tải. Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng rằng diễn biến xấu nhất về dịch bệnh vẫn chưa xảy ra, nghĩa là vẫn chưa đến đỉnh dịch. Riêng thủ đô New Delhi đang chứng kiến làn sóng dịch thứ tư với số ca nhiễm mới lên tới hơn 10.700 ca. Maharashtra - bang có số ca nhiễm cao nhất, cũng là bang giàu có nhất Ấn Độ, nơi có trung tâm tài chính Mumbai - đã áp lệnh phong tỏa vào 2 ngày cuối tuần, từ cuối tuần trước đến cuối tháng 4.
Chính phủ Ấn Độ lý giải, tình trạng tái bùng phát số ca nhiễm chủ yếu do tụ tập đông người và không đeo khẩu trang trong lúc các hoạt động kinh doanh gần như đã mở cửa trở lại hoàn toàn từ tháng 2-2021.
Song, một số chuyên gia dịch tễ cho rằng, việc các biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện có thể đóng vai trò nhất định trong đợt bùng phát mới lần này. Ấn Độ đã phát hiện hàng trăm ca nhiễm biến thể vốn được ghi nhận lần đầu tại Anh, Nam Phi và Brazil. Các chuyên gia cũng nhận định, chính việc người dân xem nhẹ các biện pháp giãn cách xã hội, không thực hiện các quy định phòng chống dịch là nguyên nhân khiến số ca nhiễm cộng đồng tăng cao như thế.
Điều đáng nói, theo CNN, hàng triệu người dân trên khắp Ấn Độ vẫn đổ về tham dự Kumbh Mela - lễ hội tôn giáo lớn nhất nước, được tổ chức ở thành phố Haridwar, bất chấp những khuyến cáo của chính phủ về Covid-19. “Thực hiện giãn cách xã hội là rất khó khăn, nếu chúng tôi cố gắng áp dụng quy định thì có thể dẫn đến một cuộc giẫm đạp”, Tổng Thanh tra Cảnh sát Sanjay Gunjyal phát biểu với báo giới ngày 12-4.
Vì vậy, cảnh sát phải liên tục kêu gọi người dân đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Ông Gunjyal dẫn chứng, ít nhất 650.000 người đã ngâm mình ở sông Hằng vào sáng sớm 12-4, một phong tục của lễ Kumbh Mela. Kể từ khi lễ hội được bắt đầu ở Haridwar ngày 1-4, riêng địa phương này có thêm hơn 2.200 ca nhiễm.
Tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chỉ đạo tất cả các bang/vùng lãnh thổ liên bang tập trung xét nghiệm và phong tỏa cục bộ để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Ngày 11-4, ông Modi khởi động lễ hội tiêm vắc-xin trong 4 ngày nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng ngừa Covid-19.
Ấn Độ vốn là nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu thế giới. Từ giữa tháng 1-2021, quốc gia này đã tiêm hơn 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng một số bang vẫn than phiền về tình trạng thiếu vắc-xin. Thủ tướng Modi nói rằng, mỗi ngày tại Ấn Độ hiện có 4 triệu người được tiêm một trong hai loại vắc-xin ngừa Covid-19 sản xuất trong nước (gồm vắc-xin AstraZeneca/Oxford và vắc-xin nội địa của phòng thí nghiệm Bharat Biotech).
BÌNH YÊN