Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vào ngày 22 và 23-4 (giờ Washington) được kỳ vọng sẽ mang lại các cam kết mạnh mẽ hơn để cắt giảm khí thải toàn cầu.
Chính phủ Mỹ muốn tập trung vào năng lượng tái tạo để giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong ảnh: Một cánh đồng điện gió ở Palm Springs, bang California của Mỹ. Ảnh: Reuters |
Theo BBC, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng, sự kiện này mang tính chất quyết định để thúc đẩy hay bỏ lỡ những nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mỹ sẽ đi đầu?
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cam kết nước ông sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ có cơ sở để tuyên bố như vậy bởi ngay sau khi trở thành Tổng thống, ông Joe Biden đã ký sắc lệnh mở đường để nước Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận khí hậu Paris. Ông Biden còn đối mặt với sức ép đến năm 2030 sẽ phải cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải so với các mức của năm 2005, tương đương 47% so với các mức của năm 2010. Có như vậy thì mới đạt được mục tiêu dài hạn mà chính phủ của ông đã đề ra là trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Tờ The Guardian của Anh cho biết, Tổng thống Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 22 và 23-4. Sự kiện này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11 tới ở thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Trước đó, ông Biden cử đặc phái viên về khí hậu - cựu Ngoại trưởng John Kerry - đến Trung Quốc để bàn về sự hợp tác giữa hai nước trong vấn đề biến đổi khí hậu và COP26. Cuối tháng 1 vừa qua, ông Biden công bố kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Những động thái nói trên cho thấy ông quyết tâm đảo ngược chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump - người đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu, mặc dù quốc gia này phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
“Cái giá của sự chậm trễ là quá lớn”
Cũng theo The Guardian, các nhà khoa học cho rằng, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về khí hậu, cụ thể là hiện tượng thời tiết cực đoan: nắng nóng, hạn hán, bão nhiệt đới, lũ lụt, tình trạng băng tan và mực nước biển dâng… Hãng tin AP cho biết, tại hội nghị trực tuyến lần này, trùng với Ngày Trái đất (22-4), Tổng thống Biden muốn cam kết giảm ít nhất một nửa lượng tiêu thụ than đá, nghĩa là giảm dần sự phụ thuộc và tìm nguồn năng lượng thay thế than đá. “Mỹ không chờ đợi, cái giá của sự chậm trễ này là quá lớn và đất nước của chúng ta quyết tâm hành động ngay lúc này”, AP dẫn tuyên bố của chính phủ Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Một số nước khác dự kiến công bố các mục tiêu cắt giảm khí thải carbon, cũng như cam kết hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của các nước kém phát triển hơn. Chẳng hạn, theo Reuters, Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất trung hòa khí thải carbon đến năm 2050 và giảm lượng khí thải ròng ít nhất 55% tới năm 2030 so với mức của năm 1990. Vương quốc Anh đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Úc sẽ đề ra lộ trình riêng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 bằng các giải pháp công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khai thác và sản xuất…
Theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các quốc gia thống nhất hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C và an toàn hơn là ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, quá ít cam kết được đưa ra, hoặc cam kết nhiều nhưng hành động không đủ và quá chậm. Tổng Thư ký LHQ Guterres từng nói rằng, 6 năm qua cũng là quãng thời gian thế giới nóng nhất. Vì vậy, các nhà phân tích kỳ vọng những động thái tích cực của Mỹ sẽ mở đường cho các nước khác hành động tương tự, từ đó dẫn đến một kết quả tốt đẹp tại COP26 vào cuối năm nay.
PHÚC NGUYÊN