ĐÀM PHÁN THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN

Nhiều chông gai, trắc trở

.

Vòng đàm phán thứ hai ở Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran chưa kịp nối lại vào ngày 14-4 theo kế hoạch thì phải dời sang ngày 15-4 sau khi Tehran tuyên bố bắt đầu sản xuất uranium được làm giàu ở độ tinh khiết lên tới 60%.

Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức) vào năm 2015. Trong ảnh: Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (trái) chào đón người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đến Tehran ngày 13-4-2021. Ảnh: AP
Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức) vào năm 2015. TRONG ẢNH: Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (trái) chào đón người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đến Tehran ngày 13-4-2021. Ảnh: AP

Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14-4 cho biết, quyết định làm giàu uranium tới độ tinh khiết 60% - mức chưa từng có - là nhằm đáp trả “chủ nghĩa khủng bố hạt nhân” của Israel, sau khi Tehran cáo buộc Tel Aviv tấn công mạng cơ sở Natanz. “Kích hoạt các máy ly tâm IR-6 tại Natanz vào ngày 14-4, hoặc nâng mức độ làm giàu uranium lên 60%... là nhằm đáp trả sự ác ý. Những gì Israel đã làm là khủng bố hạt nhân. Những gì chúng tôi làm là hợp pháp”, ông Rouhani nói.

Trưởng đoàn đàm phán Iran Abbas Araqchi cũng đề cập việc bắt đầu làm giàu uranium ở mức 60%. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Araqchi cho biết, Tehran đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về động thái của nước Cộng hòa Hồi giáo. Quyết định nói trên được Iran đưa ra sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở Natanz hồi tuần trước, hủy hoại một số máy ly tâm làm giàu uranium. Tuy không có người bị thương, cũng không gây rò rỉ phóng xạ, nhưng Iran gọi đây là vụ “khủng bố hạt nhân” và cáo buộc Israel đứng sau sự việc.  

Báo The Independent cho rằng, việc Iran làm giàu uranium tới độ tinh khiết 60% sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán ở Vienna, với sự tham gia của các bên trung gian nhằm mở đường khôi phục thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA), vốn được Tehran ký với nhóm P5+1 hồi năm 2015 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Đức), thời điểm ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ.

Nhà Trắng khẳng định không liên quan đến vụ tấn công Natanz nhưng Washington đang rơi vào thế khó trong việc thúc đẩy khôi phục JCPOA. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden để ngỏ khả năng tái gia nhập JCPOA với điều kiện Iran quay trở lại tuân thủ đầy đủ các điều khoản hạn chế về hạt nhân, trong khi Tehran muốn Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trước. Trưởng đoàn đàm phán Iran Abbas Araqchi nói: “Chúng tôi tin rằng, vòng đàm phán này là khoảng thời gian để Mỹ đưa ra một danh sách. Tôi hy vọng có thể trở về Iran với một danh sách các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ”.

Cũng theo báo The Independent, chính lãnh đạo tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei đã dọa mở rộng chương trình làm giàu uranium lên độ tinh khiết 60% trong tháng 2-2021, thay vì hạn chế ở mức 20%. Ông Khamenei xem đây là quyết tâm phát triển năng lực hạt nhân phù hợp với nhu cầu của đất nước Iran.

JCPOA chỉ cho phép Iran làm giàu uranium ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Từ đầu năm 2021, Iran bắt đầu làm giàu uranium mức 20%, mức cao nhất mà nước này từng đạt được trước khi JCPOA có hiệu lực vào năm 2015. Với mức 60%, Iran đang tiến gần cấp độ chế tạo vũ khí hạt nhân. Song, các quan chức Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của quốc gia này nhằm mục đích hòa bình, phục vụ dân sự.

Theo Reuters, Pháp nhấn mạnh động thái của Iran là một diễn biến nghiêm trọng” và cần một sự phối hợp giữa các đối tác còn lại trong JCPOA. Mỹ gọi tuyên bố nói trên của Iran là “sự khiêu khích”, đồng thời đặt câu hỏi về sự nghiêm túc của Tehran trong các cuộc đàm phán hạt nhân mà các nước trung gian đang nỗ lực thúc đẩy ngoại giao.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif từng viết trên Twitter rằng, vụ tấn công cơ sở Natanz tạo ra cho Tehran nhiều đòn bẩy trong đàm phán. Iran giờ đây không những tăng độ làm giàu uranium lên 60% mà còn bổ sung thêm 1.000 máy ly tâm cho cơ sở Natanz. Vì vậy, chỉ mới đây thôi, giới quan sát còn cho rằng, đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm” cho JCPOA. Tuy nhiên, cơ hội cứu vãn JCPOA thông qua các cuộc đàm phán giờ đây đang vơi dần, bởi sẽ rất khó để các bên nhượng bộ và chấp nhận yêu cầu của nhau.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.