Đối thoại để giải quyết bất đồng

.

Quan hệ Nga - Mỹ đi xuống kể từ năm 2014 liên quan đến tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine. Mối quan hệ ngày càng xấu đi nghiêm trọng sau khi Washington đưa ra một loạt cáo buộc vô căn cứ chống lại Moscow, bắt đầu với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như các cuộc tấn công mạng. Những cáo buộc này thường là cơ sở cho các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga, vốn đã bị Điện Kremlin lên án gay gắt.

Suốt 4 năm ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ, Washington và Moscow không có bước cải thiện nào mà tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt về chính trị, kinh tế ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và hai bên thống nhất kéo dài thêm 5 năm Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START, Nga gọi là START 3), vốn hết hạn vào ngày 5-2-2021, mà không thay đổi bất kỳ điều kiện nào.

Việc hai bên tỏ rõ thiện chí khi gia hạn New START được các nhà quan sát quốc tế đánh giá là có thể tạo nền tảng cho đàm phán nhằm xây dựng một cơ chế kiểm soát vũ khí bao trùm nhiều loại vũ khí và nhiều quốc gia hơn. Như quan điểm của giới chức ngoại giao Đức, thỏa thuận Mỹ - Nga về New START “là một tín hiệu quan trọng cho năm 2021”, cho thấy “những xu hướng tiêu cực có thể được đảo ngược nhờ quyết tâm chính trị” và điều này cũng mở đường cho những diễn biến khác, vốn rất cần thiết trong bối cảnh một số cường quốc hạt nhân gia tăng kho vũ khí của mình.

Đề cập về sự kiện này, ngày 16-2, trong chương trình phỏng vấn của đài NPR (Mỹ), Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói: “Vì lợi ích của mình, chúng ta đã có thể rất nhanh chóng gia hạn New START thêm 5 năm... Và chúng ta sẽ xem xét các phương án khác để thúc đẩy sự ổn định chiến lược với Nga, ngay cả khi chúng ta hiểu rõ rằng các hành động Nga đang thực hiện, kể cả ở Ukraine..., là những thách thức đối với lợi ích và giá trị của chúng ta. Nhưng chúng ta phải làm việc trên cả hai mặt trận”.

Phát biểu trước báo giới ngày 26-1, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Viktor Bondarev cho rằng, mức độ tin cậy giữa Moscow và Washington đang tăng lên. Ông Bondarev nhấn mạnh: “Nhờ những công việc mà Tổng thống và Chính phủ của chúng ta đã thực hiện, mức độ tin cậy (giữa Nga và Mỹ) đang tăng lên. Chúng ta phải chấm dứt tranh cãi, chúng ta phải tìm ra những điểm chung để tạo điều kiện củng cố hơn nữa hòa bình và ổn định trên toàn thế giới. Tất cả những biện pháp được triển khai hiện nay đều khẳng định thiện chí của các chính trị gia và quân đội”.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13-4 đã gọi điện thoại cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thông báo của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Biden tái khẳng định mục tiêu xây dựng mối quan hệ ổn định, dễ đoán định với Nga và phù hợp với lợi ích của Mỹ, đồng thời đề xuất lãnh đạo hai nước họp thượng đỉnh tại nước thứ ba trong vài tháng tới nhằm thảo luận một loạt vấn đề trong quan hệ Mỹ - Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn ủng hộ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Mỹ bất chấp những “chính sách thù địch” của Washington. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, ông Putin đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng khôi phục và phát triển mối quan hệ tích cực với Mỹ trong mức độ mà phía Washington sẵn sàng. “Mức độ sẵn sàng của chúng tôi có thể khác nhau, song Tổng thống Putin luôn để ngỏ khả năng đối thoại với tất cả các nước trên khắp thế giới, bao gồm Mỹ; đồng thời sẵn sàng giải quyết những bất đồng sâu sắc nhất thông qua đối thoại”, ông Peskov nói.

Mức độ tin cậy giữa Nga với Mỹ đang dần được tăng lên qua từng sự kiện, tiến tới các cuộc đối thoại cấp cao để giải quyết các bất đồng, từ đó khôi phục mối quan hệ. Điều này không chỉ vì lợi ích của hai bên mà còn có tác động sâu sắc đến an ninh, hòa bình và sự ổn định trên thế giới.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.