Ngoại giao "trục xuất" giữa phương Tây và Nga

.

Mối quan hệ giữa Nga - Mỹ nói riêng, Nga - phương Tây nói chung trong gần 10 năm trở lại đây rơi vào cảnh lạnh nhạt. Bất kỳ biến cố nào xảy ra đều trở thành nhân tố tác động tiêu cực cho mối quan hệ song phương.

Mới đây, ngày 17-4, Cộng hòa Czech cáo buộc các cơ quan đặc nhiệm Nga liên quan vụ nổ kho đạn ở thị trấn Vrbetica năm 2014. Prague đã quyết định trục xuất 18 nhà ngoại giao Nga khỏi Czech. Trong tuyên bố ngày 20-4, Ngoại trưởng Czech Jan Hamacek cho biết, nước này sẵn sàng mọi khả năng, thậm chí xây dựng các mối quan hệ từ sự đổ vỡ, nghĩa là Czech sẵn sàng trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao Nga về nước. Ông Hamacek còn chính thức đề nghị các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trục xuất các nhà ngoại giao Nga để thể hiện sự đoàn kết sau tranh cãi ngoại giao giữa Nga và Czech. Đây là vụ việc gây mâu thuẫn lớn nhất giữa Prague với Moscow kể từ khi ảnh hưởng chi phối kéo dài nhiều thập niên của Liên Xô tại Đông Âu chấm dứt vào năm 1989.

Mặt khác, căng thẳng giữa Nga và Czech diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ áp một loạt trừng phạt mạnh tay với quan chức chính phủ và doanh nghiệp Nga để đáp lại các cáo buộc Moscow đứng sau vụ tấn công quy mô lớn vào hệ thống máy tính chính phủ Mỹ.  Tiếp đó, một số nước như Ba Lan, Ý, Latvia, Lithuania, Slovakia, Romania… cũng tiến hành trục xuất các nhà ngoại giao Nga để “bày tỏ tình đoàn kết” với Czech.

Phản ứng trước diễn biến này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, Nga không phải là phía khiến căng thẳng gia tăng. “Hành động của các nước này là gây hấn và khó lường. Nga coi đó là hành vi phá hoại quan hệ song phương”, ông Peskov nói, đồng thời kêu gọi các nước bình tĩnh và từ bỏ việc chống Nga ồ ạt như vậy.

Ngày 18-4, Nga tuyên bố 20 nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao Czech là “nhân vật không được hoan nghênh” và phải rời Nga trong 24 giờ. Nga cũng trục xuất các nhà ngoại giao các nước có hành động như Cộng hòa Czech nhằm vào Nga. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, tuyên bố về việc các cơ quan đặc nhiệm Nga liên quan đến vụ nổ ở thị trấn Vrbetica năm 2014 là vô lý, vô căn cứ, xa rời thực tế; và rằng Mỹ cùng các nước châu Âu đứng sau việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Prague. Theo Nga, Mỹ và các nước châu Âu dùng cách này để né tránh các vấn đề nội bộ của chính họ.

Ngày 27-4, Bộ Ngoại giao Ukraine cũng tính việc trục xuất nhân viên lãnh sự Nga tại tỉnh Odessa nhằm đáp trả việc Moscow trục xuất một nhân viên ngoại giao làm việc tại Đại sứ quán Ukraine ở Moscow. Tuần trước, Kiev đã trục xuất một nhà ngoại giao Nga…

Những vụ trục xuất các nhà ngoại giao ồ ạt giữa Nga và các nước phương Tây đánh dấu mối quan hệ giữa hai bên đang ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Những động thái này càng cho thấy hai bên dường như đang “ngắt kết nối” trong quan hệ song phương. Có thể thấy, một vòng xoáy đối đầu mới về ngoại giao lại xuất hiện trong mối quan hệ vốn chưa khi nào thôi căng thẳng giữa Nga và Mỹ nói riêng, giữa Nga và phương Tây nói chung trong bối cảnh các nước phương Tây đang xích lại gần hơn Mỹ.

Lên tiếng trước những lời kêu gọi có các hành động cứng rắn hơn nhằm vào Nga, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 25-4 cảnh báo sự đối đầu với Nga, đồng thời bày tỏ ủng hộ việc tiếp tục đối thoại với Moscow. Phát biểu trong chương trình “Bericht aus Berlin” của kênh ARD, Ngoại trưởng Maas đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn. Theo ông, sự khiêu khích như vậy sẽ dẫn tới những mâu thuẫn nghiêm trọng, bởi quan hệ khi đó “sẽ rất tệ” và không nên tiếp tục như vậy.

Theo các nhà quan sát, trong thời gian tới, xu hướng chủ đạo về mối quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn là lạnh nhạt, công khai đối đầu trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Thậm chí, hai bên có thể tiếp tục đẩy căng thẳng lên một nấc thang mới, dù mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm và tín hiệu phát đi là sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước vào tháng 6 tới.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.