Bắc Cực có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá dồi dào như: dầu lửa, khí đốt, hải sản, nguồn nước ngọt… Vùng lãnh thổ rộng lớn này chỉ có 4 triệu dân, nhưng những năm gần đây bỗng trở thành miền đất hứa và là khu vực cạnh tranh địa chính trị quan trọng.
Mấy thập niên trở lại đây, hiện tượng băng tan mạnh do khí hậu trái đất ấm lên đã giúp việc tiếp cận các mỏ khí đốt nằm dưới đáy đại dương dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, tuyến đường hàng hải được hình thành có thể trở thành huyết mạch quan trọng trong trao đổi thương mại thế giới, nhất là sự cố ở kênh đào Suez xảy ra mới đây. Đó là những yếu tố làm nảy sinh cuộc đua tranh đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và tầm ảnh hưởng ở Bắc Cực tăng lên đáng quan ngại.
Hội đồng Bắc Cực ra đời vào năm 1986, bao gồm các quốc gia Iceland, Nga, Mỹ, Đan Mạch, Canada, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan đều có phần lãnh thổ ở vùng cực bắc địa cầu. Nhưng chỉ 5 quốc gia gồm Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch giải quyết những vấn đề có liên quan về lãnh thổ, chủ quyền.
Một trở ngại lớn ở Bắc Cực là vấn đề liên quan đến các tuyến đường hàng hải. Theo các chuyên gia về Bắc Cực, có hai cách diễn giải khác nhau có thể gây ra căng thẳng. Canada và Nga coi các tuyến tàu bè đi qua vùng biển của các nước đều phải bị đánh thuế hải quan và hộ tống. Còn Mỹ và châu Âu coi đó là những vùng biển quốc tế, đi lại tự do giống như quy chế của kênh Suez chẳng hạn.
Một yếu tố không kém phần quan trọng là vị trí của Nga ở Bắc Cực. Nga chiếm phần chính về lãnh thổ cũng như nguồn tài nguyên trong số 8 nước có chủ quyền trong khu vực đại dương nhỏ bé ở Bắc Cực. 80% lượng khí đốt của Nga cung cấp cho các nước châu Âu được khai thác từ vùng đất lạnh nhất địa cầu này. Ngoài ra, khoảng 90% khoáng sản như niken, cobalt, 60% đồng, 95% platin và đất hiếm khác của Nga đều có xuất xứ từ Bắc Cực. Vùng Bắc Cực này chiếm tỷ trọng 1/5 xuất khẩu và 10% GDP của Nga. Vì thế, thời Liên Xô trước đây và Nga hiện nay luôn đầu tư, nâng tầm ảnh hưởng ở khu vực này trên hai phương diện kinh tế và quân sự. Gần đây, Mỹ gia tăng sự có mặt về quân sự ở khu vực này, làm tình hình càng trở nên phức tạp. Nhiều nước ngoài Hội đồng Bắc Cực như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay Liên minh châu Âu (EU) cũng quan tâm vùng Bắc Cực.
Ngày 20-5 vừa qua, Hội đồng Bắc Cực họp ở Iceland bàn về các vấn đề: khí hậu ngày càng nóng lên nhanh chóng trong khu vực, các điều kiện phát triển giao thông hàng hải và khai thác tài nguyên dễ dàng hơn nhờ hiện tượng băng tan, tương lai của cư dân địa phương… Trước khi cuộc họp diễn ra, Nga và Mỹ chỉ trích nhau về ý đồ quân sự hóa Bắc Cực. Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 17-5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Bắc Cực là vùng ảnh hưởng của Nga. Ông bảo vệ quyền phòng thủ vùng duyên hải, đồng thời cảnh cáo về những tham vọng của phương Tây trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: “Chúng ta cam kết thúc đẩy Bắc Cực thành vùng hòa bình, nơi dành cho hợp tác trong lĩnh vực khí hậu, môi trường, khoa học và an ninh”. Ông Blinken nhấn mạnh: Dù Bắc Cực đang là nơi thu hút cạnh tranh chiến lược của nhiều nước, nhưng đặc trưng của vùng đất này phải là “hợp tác hòa bình”.
Theo các nhà quan sát, phát biểu nói trên của ông Blinken nhắm vào Trung Quốc - nước không thuộc thành viên Hội đồng Bắc Cực, nhưng tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên. Thời gian gần đây, Trung Quốc thể hiện sự quan tâm lớn đến vùng đất lạnh lẽo nhưng rất giàu tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng giao thông hàng hải.
Trước thực trạng băng tan, các quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực nhất trí sẽ nỗ lực hợp tác nhằm bảo vệ một khu vực đang bị hiện tượng khí hậu nóng lên đe dọa. Nhưng giới quan sát đều cho rằng, mục tiêu này sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi, trong bối cảnh vùng cực bắc của Trái đất đang bị những lợi ích kinh tế và địa chính trị của các cường quốc khuấy động. Đặc biệt, vấn đề chủ quyền, tầm ảnh hưởng, thậm chí là vấn đề quân sự giữa các nước trong và ngoài Hội đồng Bắc Cực vẫn đang diễn ra khá gay gắt, báo hiệu cho những căng thẳng mới cả trước mắt và lâu dài.
TUYẾT MINH