Giao tranh giữa Israel và Palestine bước sang ngày thứ 8 với làn sóng không kích và hành động đáp trả bằng rocket. Trong khi đó, những nỗ lực ngoại giao của quốc tế vẫn chưa mang lại hiệu quả.
Tòa nhà 6 tầng bị san phẳng ở thành phố Gaza sau các cuộc không kích của Israel vào sáng sớm 18-5. Ảnh: AP |
Theo Reuters, vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm là tính mạng của người dân thường ở Dải Gaza và một lệnh ngừng bắn. Nhưng đến ngày 18-5, Israel vẫn tiến hành làn sóng không kích vào những mục tiêu mà nước này gọi là các chiến binh phong trào Hamas ở Gaza, san phẳng một tòa nhà 6 tầng, trong khi phía Hamas bắn hàng chục rocket về phía Israel. Hãng tin AP dẫn lời Jamal Herzallah, một người dân ở khu vực, mô tả những gì xảy ra chẳng khác một trận động đất kinh hoàng.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thúc giục tất cả các bên trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine bảo vệ người dân, nhất là trẻ em. Washington tuyên bố muốn ngăn chặn xung đột nhưng lại liên tiếp ngăn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) ra tuyên bố chung về xung đột Israel và Palestine nên cơ quan này sẽ họp lần thứ tư trong ngày 18-5 (giờ New York). Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn bảo vệ “quyền tự vệ” của Israel và cho rằng tuyên bố của HĐBA LHQ sẽ không xoa dịu được tình hình mà có thể gây phản ứng ngược. “Chúng tôi không ngăn cản ngoại giao”, AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lý giải ngày 17-5.
LHQ cho hay, dự thảo tuyên bố chung do Trung Quốc, Tunisia và Na Uy soạn thảo bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng do xung đột giữa Israel và Palestine; phản đối “hành động đơn phương” làm leo thang căng thẳng; kêu gọi ngừng bạo lực và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ thường dân và trẻ em. Dự thảo tuyên bố chung cũng ủng hộ một nhà nước Israel và Palestine chung sống hòa bình với các đường biên giới được công nhận.
Theo AP, ngày 18-5, các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) có cuộc họp đặc biệt với mong muốn gia tăng gấp đôi nỗ lực để kết thúc bạo lực ở Dải Gaza. EU cho rằng, các cuộc không kích phá hủy tòa nhà của hãng tin AP và các hãng thông tấn quốc tế khác hồi cuối tuần trước là “cực kỳ đáng lo ngại”, đồng thời khẳng định cần bảo đảm những điều kiện làm việc an toàn cho các nhà báo. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi nhấn mạnh sự cần thiết chấm dứt các hành động thù địch giữa Israel và người Palestine. Ông Macron còn tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập. Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio yêu cầu EU thảo luận về vấn đề bạo lực ở Trung Đông, đồng thời yêu cầu “phải ngừng bạo lực cũng như các cuộc tấn công giữa Israel và người Palestine”. Song, theo Reuters, chính sách của EU đối với Trung Đông đòi hỏi sự nhất trí giữa 27 quốc gia thành viên nên các hành động và tuyên bố của liên minh này không có tác động mạnh mẽ như mong đợi từ một khối có 450 triệu người.
Vậy, ai có thể giúp xoa dịu căng thẳng ở Dải Gaza: Mỹ, Ai Cập hay Liên đoàn Arab? Bất cứ thỏa thuận hòa bình nào nếu có thì cũng phải được sự đồng thuận của cả Israel lẫn Palestine trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp vốn kéo dài nhiều thập niên giữa hai bên. Thỏa thuận hòa bình Trung Đông dưới thời ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ không được người Palestine chấp nhận. Còn các tuyên bố của Liên đoàn Arab dường như chỉ là “lời nói” chứ không kèm “hành động”. Riêng Ai Cập đã nhiều lần dàn xếp thành công thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas - lực lượng đang kiểm soát khu vực Gaza. Giới ngoại giao đang chờ những nỗ lực của Ai Cập trong việc thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn để Dải Gaza có thể tạm yên tĩnh. Một lệnh ngừng bắn được tuân thủ sẽ dẫn đến các cuộc đàm phán nghiêm túc.
PHÚC NGUYÊN