Covid-19 tới 6 giờ 22-5: Trên 3,4 triệu người tử vong; Nhóm họp thượng đỉnh y tế toàn cầu

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 588.662 trường hợp mắc Covid-19 và 11.810 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 166,4 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,45 triệu người không qua khỏi.

Chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: THX/ TTXVN
Chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22-5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 166.432.599 ca, trong đó có 3.456.528 người tử vong.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 147.243.548 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 15.732.523 ca và 98.240 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 21-5, thế giới có tới 101 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vắc-xin và hộ chiếu vắc-xin. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Người dân Pháp gặp gỡ nhau tại một quán bar ngoài trời ở thành phố miền Bắc Lille, khi lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 được nới lỏng, ngày 19-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân Pháp gặp gỡ nhau tại một quán bar ngoài trời ở thành phố miền Bắc Lille, khi lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 được nới lỏng, ngày 19-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 603.340 ca tử vong trong tổng số 33.857.713 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 26.285.069 ca nhiễm và 295.508 ca tử vong. Đáng chú ý, "tâm dịch" Ấn Độ hiện nay đang phải đối mặt với mối đe dọa mới trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người chỉ trong 6 tuần qua.

Nhà chức trách một số bang tại nước này đã phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm nấm mucormycosis, hay còn gọi là bệnh "nấm đen", ở những bệnh nhân Covid-19. Thông thường quốc gia Nam Á này ghi nhận chưa đến 20 ca bệnh "nấm đen" trong vòng một năm, nhưng hiện nay số ca mắc bệnh này tăng đột biến. Các bang Gujarat và Telangana thông báo xuất hiện dịch "nấm đen", trong khi thủ đô New Delhi và các thành phố lớn khác đã phải mở các khu điều trị đặc biệt cho hàng nghìn ca mắc bệnh này.

Tuy các cơ quan chức năng chưa xác nhận số ca tử vong cụ thể nhưng trung bình tỷ lệ tử vong vì nhiễm bệnh "nấm đen" trong vài ngày qua ở Ấn Độ được cho là lên tới 50%. Các bác sĩ cho rằng việc sử dụng steriod liều cao để điều trị Covid-19 là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh "nấm đen". Trong khi đó, các ý kiến khác nhận định điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại một số bệnh viện và việc các bệnh nhân sử dụng chung đường dẫn oxy là "điều kiện lý tưởng" để nấm đen lây lan.

Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Brazil - quốc gia chịu ảnh hưởng bởi bệnh dịch lớn thứ 3 thế giới, với 15.970.949 ca nhiễm và 446.309 bệnh nhân không qua khỏi, cũng đã phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đây là 6 thành viên thủy thủ đoàn của một tàu chở hàng mang cờ Hong Kong (Trung Quốc) cập cảng Maranhao ở Tây Bắc Brazil.

Kết quả xét nghiệm cho thấy có 15 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu này dương tính với SARS-CoV-2 và 9 trường hợp âm tính.Cơ quan chức năng Brazil yêu cầu tất cả các thủy thủ tự cách ly trên tàu, ngoại trừ 3 người có những triệu chứng nặng đã được đưa vào điều trị tại bệnh viện.

Đáng lo ngại, trong báo cáo hằng năm về số liệu y tế toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số người tử vong do dịch Covid-19 có thể cao gấp 3 lần so với con số được thống kê báo cáo. Theo đó, trong năm 2020, có ít nhất 3 triệu ca tử vong có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch Covid-19, trong khi con số chính thức được công bố là 1,8 triệu ca tính tới cuối năm ngoái. Cho tới nay, ít nhất 6-8 triệu người có thể đã tử vong do đại dịch Covid-19, gấp ít nhất 2 đến 3 lần so với con số khoảng 3,4 triệu ca tử vong được báo cáo chính thức.

Bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Seeduwa, Sri Lanka, ngày 17-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Seeduwa, Sri Lanka, ngày 17-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cũng cho thấy, những bệnh nhân Covid-19 nặng tại châu Phi có nguy cơ tử vong cao hơn so với ở những châu lục khác. Nguyên nhân có thể là do thiếu trang thiết bị y tế thiết yếu.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định đưa tỉnh Okinawa vào danh sách các khu vực phải áp đặt tình trạng khẩn cấp vì số ca mắc mới bệnh Covid-19 tại đây tăng vọt trong thời gian gần đây. Với quyết định này, số tỉnh phải áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản đã tăng lên 10 tỉnh.

Trong bối cảnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại châu Âu đang phát huy hiệu quả, khiến số ca mắc mới tại châu lục này giảm mạnh, nhiều nước châu Âu đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế, mở cửa lại những điểm du lịch nổi tiếng.

Du khách đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi tham quan Tháp Eiffel tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN
Du khách đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 khi tham quan Tháp Eiffel tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhà chức trách Pháp thông báo Tháp Eiffel - địa diểm du lịch nổi tiếng của nước này sẽ mở cửa đón khách từ ngày 16-7 sau nhiều tháng đóng cửa do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại quốc gia châu Âu này. Mặc dù mở cửa đón khách trở lại, song địa điểm du lịch này vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch. Theo đó, số lượng du khách tới thăm quan địa điểm này sẽ hạn chế ở mức 10.000 người/ngày.

Hãng thời trang Giorgio Armani của Italy cũng thông báo sẽ tổ chức buổi trình diễn trực tiếp giới thiệu bộ sưu tập thời trang Xuân Hè của nam giới vào ngày 21-6 tại Milan. Đây sẽ là buổi trình diễn trực tiếp đầu tiên của hãng này sau hơn 1 năm tiến hành các buổi trình diễn theo hình thức trực tuyến do dịch Covid-19. Dự kiến, Armani cũng có buổi trình diễn riêng tại Đại sứ quán Italy vào ngày 6-7 trong khuôn khổ chương trình thời trang Paris.

Hungary cũng thông báo dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế còn lại, trong đó có một lệnh giới nghiêm cả ngày lẫn đêm ngay khi số người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 lên tới 5 triệu người vào cuối tuần này. Theo đó, người dân sẽ không còn cần phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, các cuộc tụ tập có tới 500 người tham dự có thể được tổ chức ở ngoài trời, trong khi chỉ những người đã tiêm phòng mới được tham gia các sự kiện được tổ chức trong không gian kín.

Hành khách xếp hàng tại quầy làm thủ tục ở sân bay Brussels, Duesseldorf, miền tây nước Đức, ngày 26-3-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Hành khách xếp hàng tại quầy làm thủ tục ở sân bay Brussels, Duesseldorf, miền tây nước Đức, ngày 26-3-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết từ ngày 27-5, nước này sẽ nới lỏng hạn chế tụ tập nơi công cộng, đồng thời cho phép hầu hết quán bar và nhà hàng phục vụ rượu. Đây là giai đoạn hai trong kế hoạch nới lỏng phong tỏa toàn quốc gồm 4 giai đoạn của Chính phủ Na Uy.

Còn tại Tây Ban Nha, từ ngày 7-6 tới, những hành khách đến từ các quốc gia bên ngoài Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhập cảnh nước này.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) vừa đưa ra khuyến nghị mới nhất về việc tiêm ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Theo đó, không được tiêm mũi thứ 2 của vắc-xin này cho bất kỳ người nào có huyết khối với lượng tiểu cầu thấp sau khi tiêm mũi đầu tiên.

Tuyên bố của EMA nêu rõ dù máu đông với lượng tiểu cầu trong máu thấp rất hiếm gặp sau khi tiêm vắc-xin, song EMA tiếp tục khuyến cáo người dân nhận biết các triệu chứng để có thể điều trị chuyên khoa kịp thời nếu cần. Cũng theo cơ quan trên, người dân nên đề phòng mọi dấu hiệu của việc hình thành máu đông hay tiểu cầu thấp trong vòng 3 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên ngừa Covid-19 của AstraZeneca. Các khuyến nghị mới nhất này sẽ được bổ sung vào thông tin sản phẩm vắc-xin.

Tuy nhiên, ngày càng có thêm bằng chứng vắc-xin AstraZeneca phát huy hiệu quả. Nghiên cứu công bố ngày 20-5 của Anh cho thấy việc tiêm vắc-xin này có hiệu quả bảo vệ Covid-19 từ 85-90%. Trong tuần này, truyền thông cũng đưa tin một nghiên cứu cho thấy việc tiêm nhắc lại vắc-xin lần 3 có thể giúp tăng kháng thể ở người.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan ngày 12-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm phòng Covid-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan ngày 12-5-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21-5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.822 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 75.100 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Timor Leste.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 21-5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 50 trường hợp không qua khỏi.

Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 21-5 ghi nhận thêm trên 3.481 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 32 người.

Vaccine phòng Covid-19 của hãng dược Moderna. Ảnh: AFP/ TTXVN
Vắc-xin phòng Covid-19 của hãng dược Moderna. Ảnh: AFP/ TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 460 bệnh nhân mới và 1 ca tử vong trong ngày 21-5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 75.190 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 412 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.799.272 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.642.748 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận các ca Covid-19 mới. Brunei lại ghi nhận ca tử vong sau một thời gian lắng dịch.

Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN
Vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại Italy, tối 21-5 (theo giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu do Ủy ban châu Âu (EU) và Italy chủ trì dưới hình thức trực tuyến đã kết thúc với việc lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới, cụ thể là tăng nguồn cung vắc-xin cho những nước nghèo hơn.

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Rome” theo đó kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vắc-xin và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vắc-xin. Trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” (ACT-A), một công cụ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để phân bổ vắc-xin, dược phẩm và các loại dụng cụ xét nghiệm.

Tuyên bố Rome còn đề cập đến chương trình COVAX như là một cách để phân phối số vắc-xin dành để tặng đến các nước. Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận liên quan đến nỗ lực của Mỹ và nhiều quốc gia khác theo đó muốn dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng không bao gồm một cam kết rõ ràng nhằm tài trợ đầy đủ cho chương trình ACT-A, vốn vẫn đang bị thiếu 19 tỷ USD.

Tại hội nghị, đại diện các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vắc-xin với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới. EU thì cam kết hỗ trợ 100 triệu liều cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tiến hành đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vắc-xin ở châu Phi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển vắc-xin, theo đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và 60% vào cuối năm 2022.

 Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.