Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chính thức thông báo quyết định xuất khẩu 20 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19, ngoài 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca mà ông đã lên kế hoạch cung cấp cho các nước khác.
Vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer-BioNtech. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Nhà Trắng ngày 17-5 thông báo Mỹ có kế hoạch xuất khẩu thêm 20 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 vào cuối tháng 6 tới, nâng tổng số vắc-xin mà Mỹ chuyển cho các nước trên thế giới lên 80 triệu liều, trong bối cảnh nguồn cung đang bắt đầu vượt quá nhu cầu trong nước.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Thư ký báo chí Jen Psaki nêu rõ: "Mỹ sẽ gửi 20 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 được cho phép sử dụng tại Mỹ để giúp các nước đang phải vật lộn với đại dịch vào cuối tháng 6."
Theo bà Jen Psaki, trong ngày 17-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chính thức thông báo quyết định xuất khẩu 20 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer Inc., Moderna Inc. hoặc Johnson & Johnson (vốn trước đây chỉ được phép tiêu thụ nội địa), ngoài 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca mà ông đã lên kế hoạch cung cấp cho các nước khác.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden hiện đang phải chịu sức ép đối với việc sử dụng số lượng vắc-xin dư thừa lớn trong nước để giúp các nước khác.
Mặc dù trong thông báo, bà Psaki không nêu rõ những quốc gia nào sẽ được ưu tiên nhận các liều vắc-xin trên, nhưng Tổng thống Biden trước đó đã đưa ra tín hiệu cho biết Washington sẽ làm những gì có thể để giúp Ấn Độ ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Dược phẩm (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) thông báo cho phép nâng thời gian bảo quản vắc-xin ngừa Covid-19của công ty dược phẩm Pfizer-BioNTech trong tủ lạnh lên tới một tháng.
Theo đó, thời gian bảo quản được phê duyệt đối với lọ vắc-xin chưa mở nắp được rã đông ở 2-8 độ C (mức trong tủ lạnh bình thường sau khi lấy ra khỏi điều kiện đông lạnh) được nâng từ 5 ngày lên tới một tháng (31 ngày).
Thông báo của EMA nêu rõ: “Việc tăng sự linh hoạt trong bảo quản và xử lý vắc-xin sẽ có tác động đáng kể tới việc lập kế hoạch và bảo đảm hậu cần cho việc triển khai vắc-xin ở các nước thành viên EU.”
Theo giới chuyên môn, quyết định của EMA cùng với tuyên bố đẩy mạnh xuất khẩu vắc-xin của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không chỉ ở EU mà trên toàn cầu, nhất là ở các nước nghèo vốn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thiếu vắc-xin.
Theo Vietnam+