Dùng tiền cứu trợ Covid-19 xây tượng mực khổng lồ

.

Với mong muốn phục hồi du lịch, thị trấn Noto ở tỉnh Ishikawa, miền tây Nhật Bản, đã sử dụng gần 230.000 USD tiền cứu trợ Covid-19 của chính phủ để xây một bức tượng con mực khổng lồ.

Thị trấn Noto (Nhật Bản) xây dựng một bức tượng mực khổng lồ. Ảnh: CNN
Thị trấn Noto (Nhật Bản) xây dựng một bức tượng mực khổng lồ. Ảnh: CNN

Thị trấn Noto được chính phủ Nhật Bản viện trợ 800 triệu yên như một phần của chương trình thúc đẩy nền kinh tế địa phương trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thế nhưng, thị trấn này đã trích ra 25 triệu yên (229.000 USD) để xây dựng một bức tượng mực khổng lồ cao 4 mét và dài 9 mét, tổng chi phí xây dựng tượng khoảng 30 triệu yên (274.000 USD). Việc xây dựng bức tượng mực được bắt đầu vào tháng 10-2020, hoàn thành vào tháng 3-2021 và được đưa ra trưng bày.

Mực là món đặc sản địa phương ở Noto. Việc xây dựng bức tượng là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao nhận thức về ngành đánh bắt của thị trấn và kích cầu du lịch tại đây.

“Du lịch địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi Covid-19. Chúng tôi muốn làm gì đó để hỗ trợ quê nhà”, một quan chức của thị trấn Noto nói.

Được biết, Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Ngày 9-5, Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới lên đến hơn 6.000 ca. Chính phủ nước này đã thông qua gói cứu trợ trị giá 70.000 tỷ yên vào tháng 12-2020 để giúp nền kinh tế phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra.

Tỷ lệ nhiễm Covid-19 tại tỉnh Ishikawa thấp hơn nhiều so với các địa phương khác ở Nhật Bản. Một số người đã đặt câu hỏi liệu những khoản tiền đó có nên được sử dụng cho các mục đích khác, điển hình là việc xây tượng con mực kia hay không? Một người dân địa phương nói với tờ Chunichi Shimbun rằng, lẽ ra khoản quỹ phải được sử dụng dài hạn và dùng cho những trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, chẳng hạn cho nhân viên y tế và các cơ sở chăm sóc y tế.

Một người dùng Twitter cho biết: “Dù nhìn thế nào đi nữa, điều này (việc xây tượng mực) là sai. Quan chức địa phương phải trả lại số tiền đó”.

HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)

;
;
.
.
.
.
.