Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị thế giới cần có một hiệp ước quốc tế để các nước hợp tác tốt hơn trong việc chống lại đại dịch Covid-19 hiện làm hơn 168 triệu người mắc và 3,4 triệu người tử vong.
Ấn Độ đã nhận được viện trợ về trang thiết bị y tế của quốc tế nhằm chống lại đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images |
Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 74 của các thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 24-5 đến 1-6 là dịp để kêu gọi phản ứng toàn cầu đối với đại dịch và giải quyết sự mất cân bằng trong phân phối vắc-xin ngừa Covid-19.
Covid-19 chưa phải là đại dịch cuối cùng
Hãng tin AP cho biết, tại kỳ họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel là hai trong số nhiều nhà lãnh đạo kêu gọi củng cố năng lực của WHO để chống lại đại dịch. Qua video trực tuyến, ông Macron nói rằng, WHO phải mạnh mẽ và linh hoạt trong thời điểm khẩn cấp và khủng hoảng. “Và WHO phải hoàn toàn minh bạch để bảo đảm mọi người tin tưởng tổ chức này”, ông Macron nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 cho thấy rõ tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế và WHO cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt việc chăm sóc sức khỏe toàn cầu. “Đại dịch hiện nay chưa được khống chế và chưa phải là đại dịch cuối cùng. Sau đại dịch sẽ lại xuất hiện đại dịch và đối với đại dịch tiếp theo, chúng ta nên chuẩn bị tốt nhất có thể”, bà Merkel phát biểu qua video.
Nhà lãnh đạo Đức đề xuất cần có một hiệp ước quốc tế chống đại dịch để thúc đẩy các nước hợp tác tốt hơn và thành lập Hội đồng Y tế toàn cầu nhằm kiểm tra việc tuân thủ các quy định y tế ở các nước thành viên của WHO. Cả Tổng thống Macron lẫn Thủ tướng Đức Angela Merkel đều kêu gọi tăng nguồn quỹ dành cho WHO. Song, theo AP, vấn đề đặt ra là các nước sẽ không muốn bị ràng buộc vào khuôn khổ các quy định mới nên không dễ đạt được một hiệp ước quốc tế để chống lại đại dịch.
Công bằng trong tiêm phòng vắc-xin
Tại kỳ họp, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi nỗ lực toàn cầu để bảo đảm sự công bằng trong việc tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19. Hãng tin AFP cho hay, ông Tedros thúc giục các quốc gia đóng góp vắc-xin cho chương trình tiếp cận vắc-xin toàn cầu (COVAX) của WHO và các đối tác để có đủ vắc-xin tiêm cho 10% dân số của tất cả các nước trước thời điểm cuối tháng 9 và tiêm cho 30% dân số vào cuối năm nay. Ông Tedros cho biết, đến nay hơn 75% tổng số liều vắc-xin ngừa Covid-19 của toàn cầu đã được phân phối ở 10 nước.
Hiện Trung Quốc là nước phân phối vắc-xin ngừa nhiều nhất thế giới với 500 triệu liều vắc-xin, đứng thứ hai là Mỹ. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 40% dân số (khoảng 560 triệu người trong tổng 1,4 tỷ dân) trước tháng 6 tới. Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm và số ca tử vong lớn nhất - đã phân phối hơn 284 triệu liều vắc-xin và 39,3% dân số của cường quốc này đã được tiêm vắc-xin đủ liều.
Trong bài phát biểu, người đứng đầu WHO còn cảnh báo nếu SARS-CoV-2 và các biến thể vẫn lây lan ở nhiều nơi thì không một quốc gia nào cho rằng họ đã “thoát khỏi nguy hiểm”, dù tỷ lệ tiêm chủng đạt bao nhiêu đi chăng nữa. “Thế giới vẫn đang trong một tình huống rất nguy hiểm”, ông Tedros khuyến cáo.
Quốc gia châu Âu đầu tiên đạt miễn dịch cộng đồng Hãng tin Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Chris Fearne của Malta cho biết, nước này đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 70% dân số trưởng thành với ít nhất 1 liều và trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đạt miễn dịch cộng đồng. Đến nay, Malta ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm và 417 ca tử vong do Covid-19. Trong lúc đó, các nhà lãnh đạo EU ngày 25-5 thống nhất tài trợ ít nhất 100 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn từ nay đến cuối năm. |
BÌNH YÊN