WHO lo ngại xuất hiện biến thể mới ở Ấn Độ

.

Trong lúc Ấn Độ chật vật ứng phó với Covid-19 và biến thể B.1.617, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, số ca nhiễm gia tăng ở nước này sẽ kéo theo khả năng xuất hiện các biến thể mới, có tính chất nguy hiểm hơn.

Thanh niên trên 18 tuổi xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thành phố Gauhati, bang Assam (Ấn Độ) ngày 10-5. Ảnh: Reuters
Thanh niên trên 18 tuổi xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thành phố Gauhati, bang Assam (Ấn Độ) ngày 10-5. Ảnh: Reuters

Báo điện tử Business Insider của Mỹ ngày 10-5 dẫn lời bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, cảnh báo: “Các đặc điểm dịch tễ mà chúng ta phát hiện ở Ấn Độ hiện nay cho thấy đó là một dạng biến thể lây lan rất nhanh chóng”. Bà Swaminathan lý giải, biến thể đột biến kép B.1.617, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái, dễ lây lan hơn và có nhiều ý kiến lo ngại biến thể này vô hiệu hóa vắc-xin ngừa Covid-19, khiến dịch bệnh bùng phát mạnh.

Mới đây, WHO tuyên bố xem B.1.617 là “biến thể cần quan tâm”. Tuy nhiên, WHO chưa bổ sung B.1.617 vào danh sách “đáng lo ngại” - một danh sách gồm các biến thể virus nguy hiểm hơn chủng ban đầu bởi khả năng lây nhiễm cao hơn, gây tử vong lớn hơn hoặc có thể vượt qua các biện pháp bảo vệ bằng vắc-xin.

Trong khi đó, cơ quan y tế của một số quốc gia như Mỹ và Anh đều coi B.1.617 là biến thể “đáng lo ngại”. “B.1.617 là một biến thể đáng lo ngại vì nó có một số đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm và cũng có khả năng giúp virus chống lại các kháng thể được tạo ra do tiêm chủng hoặc qua lây nhiễm tự nhiên”, nữ chuyên gia của WHO nói.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát hoàn toàn do biến thể B.1.617. Theo Business Insider, bà Swaminathan cũng như nhiều chuyên gia y tế khác cho rằng, chính sự chủ quan, tụ tập đông người khiến Ấn Độ rơi vào khủng hoảng y tế nghiêm trọng, với số ca nhiễm cao thứ hai thế giới (sau Mỹ) và số ca tử vong sau thứ ba (sau Mỹ và Brazil). Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bị chỉ trích vì cho phép tụ tập đông người trong các lễ hội tôn giáo và các cuộc vận động tranh cử suốt 2 tháng qua.

Cũng trong ngày 10-5, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo có thêm 366.000 ca nhiễm mới, đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 6-5 nước này có số ca nhiễm dưới mức 400.000 ca/ngày, theo CNN. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nói rằng không nên vui mừng bởi số ca nhiễm mới được ghi nhận vào thứ Hai thường thấp hơn những ngày khác trong tuần.

Bộ Y tế Ấn Độ cũng thông báo có thêm hơn 3.700 ca tử vong. Kể từ ngày 28-4 đến nay, trung bình mỗi ngày nước này có hơn 3.000 ca tử vong. Như vậy, Ấn Độ có tổng cộng hơn 22,6 triệu ca nhiễm và ít nhất 246.000 ca tử vong.

Các chuyên gia y tế kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi phong tỏa toàn quốc để ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan. Ông Anthony Fauci, cố vấn cấp cao về Covid-19 của Nhà Trắng, cũng khuyến nghị chính phủ Ấn Độ nên phong tỏa cả nước. Ngày 10-5, thủ đô New Delhi bước vào tuần phong tỏa thứ tư.

Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cho hay, chính quyền đang triển khai mọi nỗ lực cần thiết để giảm tình trạng thiếu oxy và giường bệnh tại các bệnh viện. Các vùng Jammu và Kashmir, phía bắc Ấn Độ, áp dụng lệnh giới nghiêm đến ngày 17-5. Bang Uttarakhand cũng ở phía bắc Ấn Độ áp đặt lệnh giới nghiêm từ ngày 11-5 đến 18-5 sau khi các buổi tụ tập tôn giáo ở địa phương biến thành các sự kiện siêu lây nhiễm.

Đến nay, chính phủ Ấn Độ đã triển khai tiêm 170 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân, theo thông tin từ CNN. Trong đó, ít nhất 35,7 triệu người đã nhận đủ 2 liều tiêm, chiếm 2,75% trong tổng số 1,3 tỷ dân của Ấn Độ. Theo bà Soumya Swaminathan, Ấn Độ sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để đạt được tỷ lệ tiêm chủng từ 70-80% nên vẫn cần áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và y tế cộng đồng để ngăn chặn virus lây lan.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.