Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine đang được thực thi sau 11 ngày giao tranh, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, giải pháp hai nhà nước có được hai bên chấp nhận và thúc đẩy được tiến trình hòa bình Trung Đông hay không?
Những đống đổ nát ngổn ngang ở phía bắc Dải Gaza sau cuộc giao tranh 11 ngày giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine. Ảnh: AP |
Hãng tin AP dẫn thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, khoảng 1.000 ngôi nhà ở Dải Gaza đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh 11 ngày, kết thúc vào ngày 21-5 vừa qua. Theo Điều phối viên về nhân đạo của LHQ ở khu vực Trung Đông Lynn Hastings, hàng trăm ngôi nhà khác bị hư hỏng đến mức không thể ở được. Song, thiệt hại lần này vẫn ít hơn so với cuộc chiến tranh 50 ngày giữa Israel và Palestine năm 2014, thời điểm có đến 141.000 ngôi nhà bị san phẳng hoặc hư hại.
Sau cuộc chiến tranh năm 2014, các nhà tài trợ quốc tế nhanh chóng cam kết 2,7 tỷ USD cho công tác tái thiết. Chưa rõ lần này các nước đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và chính sách ngoại giao ở Trung Đông không thành công trong nhiều năm thì có sẵn sàng mở hầu bao hay không.
Đây không phải lần đầu tiên Israel và lực lượng Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza. Vấn đề lúc này là cần bảo đảm việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn dù một lệnh ngừng bắn tạm thời như thế sẽ không mang lại cơ hội hòa bình cho người dân ở Dải Gaza. Vì vậy, về lâu dài, cần có một giải pháp bền vững và toàn diện. Theo Reuters, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vẫn thúc giục Israel và Palestine trở lại đàm phán, hiện thực hóa “giải pháp hai nhà nước” trên cơ sở đường biên giới năm 1967, nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chung.
Dù “giải pháp hai nhà nước” là nền tảng của ngoại giao quốc tế và tuân theo các nghị quyết của LHQ, nhưng với lịch sử xung đột Israel - Palestine kéo dài hàng thập niên qua, giải pháp này sẽ khó được hiện thực hóa. Báo USA Today dẫn lời chuyên gia Joost Hiltermann về Trung Đông thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế - một tổ chức ngăn chặn xung đột - nhận định: “Giải pháp hai nhà nước là lựa chọn tốt nhất, nhưng có thể không còn khả thi”.
Cũng theo USA Today, một số người Palestine cho rằng, “giải pháp một nhà nước” vẫn tốt nếu họ được trao quyền công dân đầy đủ, bao gồm quyền bầu cử và tất cả những lợi ích khác như người Israel. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhà lãnh đạo khác của Nhà nước Do Thái sẽ không chấp nhận kịch bản này.
Cội nguồn của xung đột là tranh chấp đối với khu vực đông Jerusalem - nơi cư dân phần lớn là người Palestine. Trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel chiếm Bờ Tây, đông Jerusalem và Gaza.
Trong khi đó, hầu hết người tị nạn Palestine sống tại Gaza và Bờ Tây. Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của họ, nhưng người Palestine lại tuyên bố đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Trong 50 năm qua, Israel đã xây dựng rất nhiều khu nhà định cư ở các khu vực chiếm đóng. Theo báo USA Today, hiện có hơn 475.000 người định cư Do Thái sống ở Bờ Tây và hơn 200.000 người định cư sống ở đông Jerusalem.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ dưới thời ông Donald Trump bị người Palestine cho là “kế hoạch hòa bình một bên” vì thiên vị Israel. Giờ đây, chính phủ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình mở rộng hơn với “con đường tốt nhất cho cả Israel lẫn Palestine”, như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định hồi tuần trước. Chuyên gia Hiltermann tin rằng, chính phủ của ông Biden sẽ bắt đầu thúc đẩy “giải pháp hai nhà nước” một cách tích cực hơn. Tuy nhiên, những mâu thuẫn mang tính lịch sử giữa Israel và Palestine sẽ không thể được giải quyết một sớm một chiều, mà phải là một quá trình lâu dài, với sự tham gia của nhiều bên trung gian và tổ chức quốc tế, để hướng đến giải pháp hai nhà nước độc lập, chung sống hòa bình.
PHÚC NGUYÊN