YRIA BẦU TỔNG THỐNG

Ông Assad chờ nhiệm kỳ thứ tư

.

Cuộc bầu cử tổng thống ở Syria ngày 26-5 mang đến hy vọng cho người dân về một tương lai tốt đẹp hơn sau 10 năm xảy ra nội chiến. Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad được dự đoán sẽ giành chiến thắng và có thêm một nhiệm kỳ 7 năm.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng phu nhân Asma bỏ phiếu tại Douma, gần thủ đô Damascus.  Ảnh: Getty Images
Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng phu nhân Asma bỏ phiếu tại Douma, gần thủ đô Damascus. Ảnh: Getty Images

Hãng tin AFP cho biết, đây là lần thứ hai người dân Syria bầu tổng thống trong 10 năm qua. Từ 7 giờ ngày 26-5, hàng ngàn người bắt đầu đến các điểm bỏ phiếu ở thủ đô Damascus, hoặc tập trung ở các tuyến đường có đặt ảnh chân dung Tổng thống Bashar al-Assad. Nhiều người không đeo khẩu trang, bất chấp Covid-19 lây lan ở Syria, đến nay làm hơn 24.200 người mắc và 1.700 người tử vong, theo trang thống kê worldometers. Nhiều biểu ngữ trên đường phố ở Damascus có dùng chữ: “Chúng tôi chọn tương lai. Chúng tôi chọn ông Bashar al-Assad”.

Ngoài ứng viên Assad, còn có 2 ứng viên khác là cựu Ngoại trưởng Abdallah Saloum Abdallah và ông Mahmoud Ahmed Marei - lãnh đạo đảng đối lập Mặt trận Dân chủ theo đường lối ôn hòa. Ban đầu, có tổng cộng 51 ứng viên, nhưng Tòa án Hiến pháp Tối cao của Syria chỉ chấp nhận 3 ứng viên này. Theo AP, ông Assad đã đi bỏ phiếu vào sáng 26-5 ở thành phố Douma, ngoại ô Damascus.

Cuộc bầu cử không được tổ chức ở khu vực đông bắc Syria - hiện do người Kurd kiểm soát, hoặc tỉnh Idlib ở phía tây bắc. Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) do người Kurd thống lĩnh tuyên bố không tham gia bỏ phiếu “trước khi có các giải pháp chính trị phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc…”. Giới chức vùng đông bắc thậm chí đóng cửa biên giới với những khu vực do chính phủ kiểm soát để ngăn cản người dân đi bỏ phiếu. Họ cho rằng, cuộc bầu cử là một bước lùi trong tiến trình hòa giải với người Kurd.

Cũng trong ngày 26-5, Tổng thống Assad bác bỏ những chỉ trích của Mỹ và phương Tây rằng cuộc bầu cử không công bằng vì chỉ được tổ chức ở những khu vực do chính phủ kiểm soát. Chính phủ Syria khẳng định, cuộc bầu cử cho thấy mọi hoạt động ở quốc gia Trung Đông này vẫn diễn ra bình thường.

Theo AFP, mức độ bạo lực ở Syria đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, nhưng nền kinh tế bị tàn phá nặng nề - hậu quả của xung đột, tham nhũng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và đại dịch Covid-19. Hơn 80% dân số Syria sống ở dưới mức nghèo khổ. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 60,2 tỷ USD năm 2010 xuống còn hơn 21 tỷ USD năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 50%; lạm phát tăng vọt. Chỉ trong năm 2020, đồng bảng Syria mất 3/4 giá trị, trong khi giá lương thực và các mặt hàng thiết yếu tăng hơn 200%.

Với khẩu hiệu tranh cử “Hy vọng thông qua lao động”, ông Assad mong muốn có thêm nhiệm kỳ thứ tư để tái thiết đất nước và sửa đổi Hiến pháp. Nội chiến kéo dài 10 năm qua đã làm hơn 388.000 người thiệt mạng; khoảng một nửa trong tổng số 23 triệu dân Syria phải rời bỏ nhà cửa; trong đó hơn 5,5 triệu người tị nạn sang các nước láng giềng, hầu hết là ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng 3, Liên Hợp Quốc thông tin rằng, 13,4 triệu người Syria cần được hỗ trợ nhân đạo; hơn 12 triệu người đang rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014, ông Assad giành 88% số phiếu. Giới phân tích đều cho rằng, lần này ông sẽ tiếp tục giành chiến thắng và có thêm nhiệm kỳ 7 năm. Kết quả kiểm phiếu dự kiến được công bố vào ngày 28-5. 

Lực lượng của Chính phủ Tổng thống Assad đã giành lại phần lớn các vùng lãnh thổ bị các nhóm đối lập chiếm giữ, nhưng Syria vẫn chưa yên tĩnh, bạo lực vẫn xảy ra thường xuyên. Theo đó, sứ mệnh tái thiết đất nước sẽ đặt lên ông Assad nếu nhà lãnh đạo này tái đắc cử. 

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.