Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 377.288 trường hợp mắc Covid-19 và 8.724 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tăng lên trên 177,7 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,84 triệu người không qua khỏi.
Người dân tắm nắng trên bãi biển ở Palavas-les-Flots, miền nam nước Pháp, ngày 10-6-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 177.777.102 ca, trong đó có 3.847.778 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 162.275.919 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.653.405 ca và 83.081 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 16-6, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 91 quốc gia-vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng nhẹ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vắc-xin. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, số ca tử vong lại tăng vọt trở lại ở Ấn Độ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tuần tính từ ngày 7 đến 13-6, trên thế giới ghi nhận hơn 2,6 triệu ca mắc mới Covid-19 và 72.000 ca tử vong, giảm lần lượt 12% và 2% so với tuần trước. Theo WHO, tỷ lệ mắc Covid-19 cũng giảm ở 5-6 khu vực trên thế giới, trong đó Đông Nam Á giảm 27% và châu Âu giảm 13%.
Trong khi đó, tại châu Phi, số ca mắc mới và tử vong tăng lần lượt 44% và 20%. Số ca tử vong do Covid-19 ở Đông Nam Á cũng tăng 12%, trong khi châu Âu giảm 17%, khu vực Bắc và Nam Mỹ giảm 7%.
Ấn Độ thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 62.224 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 29.633.105 ca. Số ca tử vong do Covid-19 cũng tăng thêm 2.542 ca lên 379.573 ca.
Đây là ngày thứ 9 liên tiếp Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới dưới 100.000 ca trên khắp đất nước, sau khi lên tới mức đỉnh là hơn 400.000 ca trong vài ngày hồi tháng 4 và 5. Đã có 28.388.100 bệnh nhân bình phục và được xuất viện, trong đó riêng ngày 15-6 có 107.628 người.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện, chính quyền thủ đô New Delhi đã cho phép tất cả các cửa hàng và nhà hàng được phép mở cửa nhưng chỉ hoạt động với 50% công suất. Các trường học, cao đẳng, cơ sở giáo dục khác, hồ bơi và phòng tập thể dục vẫn tiếp tục đóng cửa. Ngày 16-6, đền Taj Mahal - biểu tượng của ngành du lịch Ấn Độ, đã mở cửa đón khách trở lại.
Tại châu Âu, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại đối với hành khách đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ. Danh sách các nước và khu vực được miễn trừ lệnh cấm đi lại này sẽ được mở rộng trong đó có Albania, Bắc Macedonia, Serbia, Liban, Mỹ cũng như các vùng lãnh thổ Đài Loan, Macau và Hong Kong của Trung Quốc.
Người dân không phải bắt buộc đeo khẩu trang tại một trung tâm mua sắm ở Tel Aviv, Israel, ngày 15-6-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm được thực hiện nhằm ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 20-6 tới, tức sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch ban đầu, trong khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà cũng được dỡ bỏ từ ngày 17-6. Việc điều chỉnh kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế căn cứ trên tình hình dịch bệnh đã có sự chuyển biến tích cực trên khắp cả nước.
Ngược lại, Chính phủ Ba Lan cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 ở nước này, bất chấp tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh gia tăng. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể là nguyên nhân gây ra làn sóng dịch mới, dù quốc gia 38 triệu dân này đang tiến gần tới mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Theo số liệu của Bộ Y tế Ba Lan, nước này đã tiêm được ít nhất 24,4 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 và 9,7 triệu người đã tiêm đủ liều.
Chính quyền thủ đô Moskva của Nga ngày 16-6 đã yêu cầu người dân làm việc trong ngành dịch vụ của thành phố này phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19 bắt buộc, trong bối cảnh các ca mắc mới gia tăng "đáng kể". Số ca mắc mới Covid-19 ở Nga trong khoảng 1 tuần trở lại đây có dấu hiệu tăng trở lại đã buộc nhiều địa phương phải thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng.
Ngày 16-6, giới chức y tế Bồ Đào Nha bắt đầu cấp chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu, cho phép người sở hữu được đi lại tự do giữa các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Theo giới chức Bồ Đào Nha, chứng chỉ này sẽ được cấp cho những người đã tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, người phục hồi sau khi mắc Covid-19 và người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2. Thủ tục đăng ký cấp phát chứng chỉ có thể được thực hiện trực tuyến miễn phí với công dân Bồ Đào Nha. Chứng chỉ này tồn tại dưới dạng ứng dụng điện thoại thông minh chung của các nước EU.
Trong chuyến thăm tới Bồ Đào Nga ngày 16-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là người đầu tiên công khai thử nghiệm hệ thống này. Bà cho biết: "Tôi sẽ bắt đầu công du 27 nước thành viên trong khuôn khổ kế hoạch phục hồi của EU. Tôi rất háo hức muốn thử xem chứng chỉ này sẽ hoạt động như thế nào".
Theo bà, hệ thống chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu hiện đang được triển khai sử dụng tại 15 nước thành viên. Theo giới chức y tế Bồ Đào Nha, đến nay, nước này đã sử dụng ít nhất 6,96 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19.
Theo các quy định của EU, chứng chỉ xanh kỹ thuật số về Covid-19 của châu Âu không phải là một giấy thông hành. Mục đích của chứng chỉ này là làm bằng chứng về tiêm chủng hoặc sàng lọc được cấp ở các quốc gia thành viên EU, có thể tương tác và đồng nhất với nhau.
Người nhập cảnh có chứng chỉ này khi tới quốc gia thành viên EU sẽ không phải trải qua thời gian cách ly hay xét nghiệm. Với chứng chỉ này, ngành du lịch trong khu vực được kỳ vọng sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Tại châu Mỹ, Cuba thông báo có thêm 1.537 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đảo quốc Caribe này hồi tháng 3-2020, nâng tổng số ca bệnh lên là 160.594 ca.
Tại thủ đô La Habana, “điểm nóng” của đại dịch, giới chức y tế đã áp dụng tiêm đại trà cho người dân với vắc-xin ngừa Covid-19 do Cuba bào chế là Abdala và Soberana 02. Bộ Y tế Cuba cho biết tới nay đã có gần 2 triệu người trong tổng số 11 triệu dân đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.
Trong khi đó, Mexico cho biết đã ghi nhận 4.250 ca mắc mới Covid-19 và 241 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 2.459.601 ca, trong đó có 230.428 ca tử vong. Nước này có kế hoạch thúc đẩy việc tiêm vắc-xin cho người dân sống tại các khu vực biên giới giáp Mỹ, qua đó góp phần đưa hoạt động biên giới chung giữa hai nước trở lại bình thường.
Số ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ vượt con số 600.000 trong khi giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Hiện New York và California đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch bệnh.
Đánh giá tình hình dịch bệnh tại Mỹ, giới chuyên gia cho rằng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong khi tỷ lệ tiêm chủng giảm có thể khiến một số khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng như đe dọa tới những thành quả mà nước này đã đạt được.
Hiện giới chuyên gia quan ngại biến thể Delta (B.1.617.2) có thể trở thành biến thể chiếm ưu thế tại Mỹ. Do vậy, giới chuyên gia hối thúc người dân đi tiêm phòng càng sớm càng tốt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân vì vắc-xin không thể mang lại hiệu quả bảo vệ 100%.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16-6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.258 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 86.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí cao nhất châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới-ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 15-6 cũng đứng thứ ba toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới-ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 16-6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 60 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 355 ca bệnh mới và có 2 trường hợp tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 15-6 ghi nhận thêm trên 2.331 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 40 người. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà giảm, song số ca tử vong lại tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 693 bệnh nhân mới và 7 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 86.002 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 476 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.419.253 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.029.261 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Brunei, trong 24 giờ qua, có 9-11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca Covid-19 mới.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia ngày 14-6-2021. Ảnh: THX/TTXVN |
Gần 20% số bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng đã phải trải qua những vấn đề về sức khỏe của một loại bệnh mang tên "Covid kéo dài" (Long Covid), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người mắc cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu lớn về "Covid kéo dài" được công bố ngày 15-6.
"Covid kéo dài", còn được gọi là hội chứng sau mắc Covid-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc Covid-19 cấp tính, chỉ các triệu chứng của bệnh tồn tại hơn 4 tuần kể từ khi được phát hiện. Tổ chức phi lợi nhuận FAIR Health đã xem xét các đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm của 1,96 triệu người dân Mỹ từ tháng 2-2020 đến tháng 2-2021.
Nghiên cứu phát hiện ở mọi lứa tuổi, các triệu chứng phổ biến nhất sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 lần lượt là đau, khó thở, cholesterol cao, cảm giác khó chịu và mệt mỏi cùng huyết áp cao. Tỷ lệ tử vong từ 30 ngày trở lên sau khi được chẩn đoán ban đầu mắc Covid-19 ở những bệnh nhân nhập viện và xuất viện cao hơn 46 lần so với những người không nhập viện.
Nhìn chung, 0,5% bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện sau đó được xuất viện đã tử vong sau 30 ngày hoặc xa hơn sau chẩn đoán ban đầu. Trong khi đó, 19% bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng lại trải qua các triệu chứng của "Covid kéo dài" 30 ngày kể từ lần chẩn đoán ban đầu.
Con số này đã tăng lên 27,5% ở bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhưng không nhập viện và 50% ở những người nhập viện. Thứ tự các triệu chứng phổ biến nhất của "Covid kéo dài" khác nhau tùy theo các nhóm tuổi, đơn cử như ở trẻ em, các vấn đề đường ruột thường xảy ra phổ biến hơn là mức cholesterol cao.
Hầu hết các triệu chứng của "Covid kéo dài" xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới, song một số bệnh như viêm tim lại phổ biến ở nam giới, chiếm 52% các trường hợp so với 48% ở nữ giới. Trong số 4 tình trạng sức khỏe tâm thần được đánh giá sau 30 ngày, lo lắng là phổ biến nhất, tiếp theo là trầm cảm, rối loạn sự thích ứng và rối loạn các cơ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho hành khách tại sân bay quốc tế Entebbe, Uganda, ngày 9-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Hạn chế lớn nhất của nghiên cứu mới này là thiếu nhóm người chưa từng mắc Covid-19, vốn giúp xác định mức độ của các triệu chứng mà Covid-19 gây ra so với những triệu chứng trùng hợp ngẫu nhiên. Nguyên nhân của "Covid kéo dài" hiện vẫn chưa được biết rõ.
Các giả thuyết đặt ra bao gồm phản ứng miễn dịch kéo dài của cơ thể sau giai đoạn cấp tính; tổn thương ban đầu do virus gây ra, chẳng hạn như tổn thương các đường dẫn thần kinh làm chậm quá trình phục hồi và sự tồn tại dai dẳng của virus SARS-CoV-2 ở mức độ thấp trong cơ thể.
Trước đó, báo cáo chuyên đề về "Covid kéo dài" được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong năm nay cho thấy Covid-19 có thể khiến sức khoẻ con người bị suy giảm kéo dài. Khoảng 20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 1 tháng, 10% trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược.
"Covid kéo dài" có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. WHO kêu gọi các nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề sức khoẻ do "Covid kéo dài" gây ra
Theo Báo Tin tức