Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, đã đến lúc cần có một hiệp ước toàn cầu để giúp nhân loại ứng phó bình tĩnh, hiệu quả và đoàn kết hơn với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Các nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer tại thành phố Santa Ana, bang California. Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu phương án phân bổ hàng triệu liều vắc-xin cho các nước trên thế giới. Ảnh: AP |
Kể từ lúc xảy ra đại dịch Covid-19, đây không phải là lần đầu tiên một hiệp ước toàn cầu để chống lại dịch bệnh được đề cập. Mấy ngày trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhắc đến điều này và cho rằng “đại dịch hiện nay chưa được khống chế và chưa phải là đại dịch cuối cùng. Sau đại dịch sẽ lại xuất hiện đại dịch và đối với đại dịch tiếp theo, chúng ta nên chuẩn bị tốt nhất có thể”.
Củng cố WHO và nền an ninh y tế toàn cầu
Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 74 của các thành viên WHO diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 24-5 đến 1-6 đã khép lại với thông điệp về một hiệp ước chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các đại dịch sẽ có ảnh hưởng lớn đến “việc củng cố WHO và nền an ninh y tế toàn cầu”.
Hãng tin Reuters cho biết, ông Tedros kêu gọi xúc tiến nhanh các cuộc đàm phán quốc tế để có thể thống nhất một hiệp ước quốc tế về các chiến lược dự phòng ứng phó với đại dịch. “Một đề nghị tôi tin sẽ giúp ích nhiều nhất cho việc tăng cường năng lực cho WHO cũng như an ninh y tế toàn cầu là đề nghị về một hiệp ước sẵn sàng ứng phó và phản ứng với đại dịch, một điều sẽ củng cố mối quan hệ giữa các nước thành viên cũng như chăm lo cho hoạt động này”, đài Al Jazeera dẫn phát biểu của ông Tedros cho hay.
Rõ ràng Tổng Giám đốc WHO rất quan ngại về tình trạng các nước phân cực và chia rẽ khi phải đối mặt với những sức ép lớn về y tế và kinh tế trong đại dịch Covid-19. Ông Tedros thậm chí dùng những từ như “thiếu chia sẻ dữ liệu, thông tin, công nghệ và nguồn lực” để nói về các vấn đề đặc trưng của đại dịch trong bài phát biểu tại WHA lần thứ 74. “Một hiệp định (toàn cầu) sẽ giúp cải thiện sự chia sẻ, niềm tin và tính trách nhiệm, tạo ra một nền tảng vững chắc để có thể xây dựng các cơ chế khác nhằm đạt được an ninh y tế toàn cầu”, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Tặng vắc-xin cho các nước nghèo
Ngày 1-6, WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Đây là vắc-xin thứ hai của Trung Quốc được WHO “bật đèn xanh” (sau vắc-xin của hãng Sinopharm). Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vắc-xin của Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều cách nhau 2-4 tuần. Theo Reuters, Trung Quốc cũng có loại vắc-xin thứ ba do CanSino Biologics sản xuất, nhưng chưa được WHO đánh giá.
Báo The Mirror cho hay, WHO và đối tác Liên minh Vắc-xin GAVI khởi xướng sáng kiến chia sẻ vắc-xin toàn cầu (COVAX), đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 40% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021. Hiện WHO tiếp tục kêu gọi các nước giàu tặng vắc-xin cho các nước nghèo hơn. Người đứng đầu WHO đã nhiều lần chỉ trích việc phân phối vắc-xin không công bằng và thúc giục các nước giàu hơn chia sẻ vắc-xin dư thừa để tiêm chủng cho các nhân viên y tế cũng như người dân ở các nước nghèo. Trong một tuyên bố chung mới nhất, các lãnh đạo WHO, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng, các chính phủ phải hành động ngay lập tức.
Mỹ chưa công bố số lượng vắc-xin đóng góp cho COVAX. Tuy nhiên, theo AP, chính phủ Mỹ đang nghiên cứu các phương án phân bổ hàng triệu liều vắc-xin cho các nước trên thế giới theo cam kết.
ĐẮC LUÂN - PHÚC NGUYÊN