Châu Âu tiếp tục cuộc chiến chống Covid-19

.

Các nước châu Âu tưởng như đã khống chế được đại dịch Covid-19, mở cửa trở lại thì nay tiếp tục đối phó với biến thể Delta, hiện có mặt ở 19/28 quốc gia của “lục địa già” với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính.

Người dân ở London (Anh) tập trung đông đúc ở các nhà hàng và bar sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: SOPA Images
Người dân ở London (Anh) tập trung đông đúc ở các nhà hàng và bar sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: SOPA Images

Theo Reuters, Cơ quan khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cuối tuần qua cho biết, biến thể Delta xuất hiện ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Báo cáo của ECDC cho hay, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong tuần qua được ghi nhận ở Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) là 89,6 trường hợp trên 100.000 cư dân. Tuần trước, tỷ lệ này là 51,6/100.000 cư dân. ECDC còn dự báo, đến cuối tháng 8, biến thể Delta chiếm 90% trường hợp mắc Covid-19 ở “lục địa già”.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, WHO châu Âu và ECDC kêu gọi các quốc gia trong khu vực nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của các biến thể.

Từ đầu tháng 7, tình hình Covid-19 ở nhiều nước châu Âu diễn biến phức tạp trở lại sau thời gian tưởng như đã được kiểm soát tốt. Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge lúc đó cho rằng, việc nhiều nước châu Âu nới lỏng các biện pháp chống dịch đã khiến số ca nhiễm gia tăng trở lại. Ngày 1-7, WHO cũng đã cảnh báo Delta sẽ trở thành biến thể thống trị châu Âu và một số khu vực kế cận vào tháng 8 tới.

Tính đến ngày 25-7, theo trang thống kê worldometers, châu Âu có tổng cộng hơn 50,6 triệu ca nhiễm và 1,1 triệu ca tử vong. Số ca nhiễm của châu lục này chiếm 27% tổng số ca mắc nhiễm toàn cầu và chiếm 31% số ca tử vong. Nga là bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 6,1 triệu ca nhiễm.

Hãng tin Reuters cho hay, trước tình hình nói trên, các nước châu Âu bắt đầu siết chặt trở lại các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời gia tăng áp lực để người dân tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tại Ý, chính phủ theo cách làm của Pháp, công bố rằng giấy chứng nhận tiêm vắc-xin là yêu cầu bắt buộc đối với người dân để được tham gia các hoạt động như ăn uống trong nhà; đến phòng gym, hồ bơi, bảo tàng, rạp phim…

“Biến thể Delta là mối đe dọa hơn bất kỳ biến thể nào khác”, Thủ tướng Ý Mario Draghi phát biểu với báo giới khi lý giải về quy định công dân phải có “Thẻ Xanh” (Green Pass) để trở lại các hoạt động thường nhật. “Thẻ Xanh là điều kiện cần thiết để không đóng cửa nền kinh tế. Nếu không tiêm vắc-xin, mọi thứ sẽ phải đóng cửa một lần nữa”, ông Draghi nói.

Tương tự, Hy Lạp cũng quy định người dân cần có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin để đến nhà hàng, bar. Còn tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson nói rằng, từ cuối tháng 9, các cơ sở giải trí ban đêm và những địa điểm thu hút đông người sẽ yêu cầu khách phải trình chứng nhận đã tiêm đủ vắc-xin. Anh đã dỡ bỏ hầu hết các quy định phòng, chống dịch, nhưng số ca nhiễm đang gia tăng trở lại trung bình hơn 40.000 ca/ngày.

Theo EU, hơn 200 triệu người dân châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 54% dân số trưởng thành, nhưng vẫn chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng 70% trong mùa hè này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25-7 kêu gọi thêm nhiều người dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng. Chương trình tiêm chủng ở Đức được cho là diễn ra chậm chập trong những tuần gần đây. Hiện hơn 60% dân số Đức đã được tiêm ít nhất 1 mũi và 49% đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.