Covid-19 sáng 4-7: Thế giới vượt 184 triệu ca mắc; Ca tử vong ở Nga cao chưa từng thấy

.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 368.000 ca bệnh Covid-19 và trên 6.660 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 184 triệu ca, trong đó trên 3,98 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế điều trị chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Manaus, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Manaus, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (54.556 ca), Ấn Độ (43.216 ca) và Indonesia (27.913 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.519 ca), Ấn Độ (944 ca) và Nga (697 ca).

Như vậy, số ca mắc mới ở Indonesia trong 24 giờ qua đã đứng thứ ba thế giới, cho thấy tình hình dịch bệnh ở nước này ngày càng nghiêm trọng.

Indonesia ghi nhận ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay

Ngày 3-7, Indonesia ghi nhận 27.913 ca mắc mới, mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 2.256.851 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Indonesia cũng tăng lên mức 60.027 ca.

Giới chức y tế Indonesia dự tính số ca mắc sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 2 tuần tới cho đến khi các biện pháp hạn chế được áp dụng từ ngày 3-7 với hơn 100 triệu dân bắt đầu phát huy tác dụng làm giảm số ca. Indonesia liên tục ghi nhận các con số cao kỷ lục trong 8-12 ngày gần nhất. Các biện pháp hạn chế mới áp dụng tại đảo Java và Bali sẽ có hiệu lực tới hết ngày 20-7 và có thể được gia hạn nếu cần thiết, với mục tiêu giảm số ca mắc xuống dưới 10.000 ca.

Giới chức y tế Indonesia nhận định 10 ngày đến 14 ngày tới, số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng và đây sẽ là 2 tuần quyết định với cuộc chiến chống dịch bệnh hiện nay tại quốc gia này. Hiện biến thể Delta, vốn hoành hành tại Ấn Độ, đang lây lan mạnh tại Indonesia, đẩy các bệnh viện trên toàn đảo Java vào nguy cơ quá tải. Trong khi các cơ sở y tế đã hoạt động gần hết công suất, nhu cầu oxy và thuốc cho nhiều người bệnh tự điều trị cách ly tại nhà cũng gia tăng khiến giá các sản phẩm này tăng vọt. Giới chức Indonesia cũng đang nỗ lực đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine tại các khu vực có dịch bệnh phức tạp nhất. Hiện nước này mới tiêm được khoảng 7,6% tổng số 181,5 triệu người mà nước này đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tiêm phòng trước cuối tháng 1-2021.

Indonesia áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại thủ đô Jakarta, đảo Java và Bali. Chính quyền đã yêu cầu đóng cửa các đền thờ Hồi giáo, nhà hàng và trung tâm mua sắm tại các điểm nóng dịch bệnh trên khắp đất nước với đa số là người Hồi giáo này. Toàn bộ người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi trường học chuyển sang giảng dạy trực tuyến. Tại Bali, các tuyến phố nơi có các cửa hàng và quán cà phê kinh doanh trên vỉa hè cũng sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, các phương tiện giao thông công cộng vẫn được phép hoạt động với công suất giới hạn. Hoạt động di chuyển bằng đường biển, đường hàng không và xe buýt nội địa sẽ chỉ dành cho những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Với các biện pháp mới dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20-7, Indonesia hy vọng có thể đưa số ca nhiễm hàng ngày xuống dưới 10.000 ca.

Iran cảnh báo làn sóng thứ 5 do biến thể Delta

Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani ngày 3-7 bày tỏ lo ngại nước này sẽ phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 5 do bùng phát các ca mắc biến thể Delta. 

Phát biểu tại cuộc họp với nhóm chuyên trách dịch Covid-19, ông Rouhani đánh giá nước này đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 5 dần hình thành, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác do biến thể Delta đã xâm nhập nước này, ở các vùng phía Nam và Đông Nam.

Iran hiện là quốc gia chịu tác động mạnh nhất tại Trung Đông với trên 84.600 ca tử vong trong số trên 3,2 triệu ca bệnh. Iran ghi nhận các ca mắc biến thể Delta đầu tiên từ ngày 5-5 tại tỉnh Qom. Hiện nước này đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt tại thủ đô Tehran cùng 9 thành phố tại tỉnh Tehran, và các tỉnh ở miền Nam và Đông Nam, những vùng đỏ về dịch bệnh.

Trung Quốc không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 3-7, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày trước đó, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 23 ca mắc mới Covid-19 đều là các ca nhập cảnh.

Trong số các ca nhập cảnh trên có 6 ca được ghi nhận ở Tứ Xuyên, 4 ca ở Thượng Hải, Hồ Nam và Vân Nam, 3 ca ở Quảng Đông, trong khi Phúc Kiến và Thiểm Tây mỗi nơi 1 ca. Tính đến ngày 2-7, Trung Quốc đại lục ghi nhận 91.833 ca mắc, trong đó có 86.766 người đã bình phục. Số ca tử vong vẫn là 4.636 ca.

Tính tới ngày 2-7, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong ghi nhận 11.938 ca mắc, trong đó có 211 ca tử vong. Trong khi đó, hai vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc là Macau đã ghi nhận 54 ca mắc và Đài Loan xác nhận có 14.911 ca mắc, trong đó có 676 ca tử vong.

Số ca mắc mới ở Ấn Độ tiếp tục dưới 50.000 ca/ngày

Bộ Y tế Ấn Độ thông báo có thêm 43.216 ca mắc và 944 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ qua. 

Số ca mắc Covid-19 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 50.000 ca vào ngày 21-6 vừa qua và vẫn duy trì ở mức 30.000-50.000 ca kể từ đó. Hiện quốc gia Nam Á này ghi nhận trên 30,5 triệu ca mắc, trong đó có 402.012 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo người dân không được phép chủ quan, cần đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh.

Saudi Arabia cấm công dân nhiều nước nhập cảnh

Ngày 3-7, Hãng thông tấn nhà nước WAS đưa tin Saudi Arabia sẽ cấm nhập cảnh từ các nước Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Việt Nam và Afghanistan do lo ngại về Covid-19.

Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 4-7 và áp dụng với tất cả những người đã từng đến 4 nước nói trên trong vòng 14 ngày gần nhất. Các công dân Saudi Arabia về nước trước ngày 4-7 sẽ được miễn lệnh cấm này.

Số ca tử vong tại Nga tiếp tục tăng cao chưa từng thấy

Số ca tử vong hằng ngày tại Nga tiếp tục tăng lên một mức kỷ lục mới, 697 ca. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp quốc gia này ghi nhận kỷ lục số ca tử vong trong bối cảnh biến thể Delta đang khiến cuộc chiến chống dịch tại Nga trở nên khó khăn hơn.

Nga cũng ghi nhận 24.439 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ giữa tháng 1 khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 dần lắng dịu. Thủ đô Moskva, tâm dịch của cả nước, ghi nhận 116 ca tử vong, gần tương đương kỷ lục gần nhất từng được ghi nhận hồi đầu tuần này. Tình hình dịch bệnh tại Nga nóng trở lại từ giữa tháng 6 trong bối cảnh rất nhiều người dân nước này từ chối tiêm vaccine phòng bệnh. Tới nay, Nga mới chỉ tiêm được khoảng 16% trong tổng số 146 triệu dân cả nước dù vaccine nội địa được xác nhận có hiệu quả phòng bệnh cao.

Hồi giữa tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi người dân "lắng nghe các ý kiến chuyên gia" thay vì nghe những lời đồn thổi vô căn cứ về dịch bệnh và vaccine. Tuy nhiên, ông cũng không ủng hộ việc bắt buộc người dân đi tiêm. Chính phủ Nga cũng khẳng định không phong tỏa toàn quốc kể cả khi không thể đạt mục tiêu tiêm phòng cho 60% dân số trước cuối tháng 8 tới. Đến nay, Nga chính thức ghi nhận 137.262 ca tử vong trong số hơn 5,5 triệu ca bệnh Covid-19.

Cuba trải qua ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Cuba khi trong ngày 3-7, đảo quốc Caribe này ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay. 

Cụ thể, trong 24 giờ qua, Cuba thông báo có thêm 3.475 ca mắc mới Covid-19, là mức cao kỷ lục trong vòng một ngày. Số ca mắc tại Cuba đã lên tới 200.728 ca, trong đó 1.337 ca tử vong. Tỉnh Matanzas tiếp tục là "tâm chấn" của đại dịch khi ghi nhận 916 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tỷ lệ mắc tại tỉnh này là 809,8/100.000 dân. 

Bộ trưởng Y tế Cuba Jose Angel Portal nhận định nguyên nhân khiến tỷ lệ lây nhiễm cao và tỷ lệ mắc bệnh gia tăng trong 15 ngày qua là do sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Nhằm khống chế đà lây lan của dịch bệnh, trong tuần này, chính phủ đã thông qua các biện pháp chống dịch mới, bao gồm việc tăng cường giám sát dịch tễ học và triển khai các biện pháp kiểm soát y tế quốc tế nghiêm ngặt hơn. Cùng với đó, Bộ Y tế Cuba tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trên cả nước. Đến nay, Cuba đã tiêm được 6,13 triệu liều vaccine nội địa là Abdala và Soberana-02.

Argentina lập kỷ lục tiêm chủng

Chiến dịch tiêm chủng ở Argentina đã lập kỷ lục mới khi trong ngày 2-7, nước này đã tiêm 402.305 liều vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Kể từ ngày 28-6, đã có 1.358.446 liều vaccine được tiêm trên khắp cả nước. Tính tới ngày 2-5, tổng cộng hơn 25 triệu liều đã được phân phối, với hơn 17,1 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên và hơn 4,2 triệu người được tiêm đủ liều.

Ngày 1-7, Bộ Y tế Argentina đã yêu cạp các nhà khoa học triển khai nghiên cứu về hiệu quả, khả năng sản sinh miễn dịch và tính an toàn của việc kết hợp các loại vacccine khác nhau. Tính tới ngày 4-7, Argentina đã ghi nhận tổng cộng 4,5 triệu ca mắc Covid-19 và 95.594 ca tử vong. Các biện pháp giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch bệnh đã được gia hạn đến ngày 9-7.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.