Tấn công mạng đe dọa thế giới

.

An ninh mạng đã trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ Tổng thống Joe Biden sau một loạt cuộc tấn công đe dọa an ninh quốc gia, trong đó nổi lên là an ninh lương thực, năng lượng, cơ sở hạ tầng tại một số khu vực của nước Mỹ.

Điển hình, ngày 7-5, Công ty đường ống Colonial bị tấn công mã độc vào hệ thống thiết bị vi tính hóa quản lý đường ống. Công ty này buộc phải dừng hoạt động đường ống và được cho là đã trả 5 triệu USD cho nhóm tin tặc để đổi lấy phần mềm phục hồi hệ thống, dù phần mềm này hoạt động rất chậm.

Trước đó, tội phạm mạng tìm cách đầu độc nguồn cấp nước ở bang Florida và đã tăng nồng độ natri hydroxit lên mức có khả năng nguy hiểm. Tin tặc đã xâm nhập hệ thống máy tính của Công ty Oldsmar và tăng hàm lượng natri hydroxit từ 100 ppm lên 11.100 ppm.

Trong một vụ tấn công mạng khác, hãng Microsoft hôm 2-3 phát hành bản vá khẩn cấp nhằm khắc phục 4 lỗ hổng cực kỳ nghiêm trọng trong nhiều máy chủ Exchange Server. Cả 4 lỗ hổng này trước đó đều bị nhóm tin tặc HAFNIUM khai thác tích cực. Hàng loạt nhóm tin tặc khác chưa xác định cũng tham gia, tạo thành chiến dịch tấn công trên diện rộng ảnh hưởng đến 9 cơ quan chính phủ và hơn 60.000 công ty tư nhân tại Mỹ.

Đặc biệt, vụ tấn công mạng mới nhất đã nhắm vào công ty quản lý hệ thống mạng Kaseya ở Mỹ - chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho khoảng 40.000 công ty trên toàn cầu. Tổng Giám đốc điều hành Kaseya, ông Fred Voccola cho biết, khoảng 800 - 1.500 doanh nghiệp toàn cầu đã bị ảnh hưởng trong cuộc tấn công mạng đòi tiền chuộc 70 triệu USD để khôi phục dữ liệu hôm 2-7.

Các chuyên gia cho rằng, việc tin tặc tấn công vào hàng loạt cơ sở hạ tầng trọng yếu như cơ sở xử lý nước, bệnh viện, trung tâm vận tải, cơ sở năng lượng và công trình hạ tầng kỹ thuật... đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia và tính mạng người dân Mỹ, nên phải bị xem là “hành động chiến tranh”. Đài Fox News dẫn lời cựu nghị sĩ Denver Riggleman, người từng phục vụ 20 năm trong lĩnh vực tình báo cho quân đội, Cơ quan An ninh quốc gia và lĩnh vực tư nhân của Mỹ cho rằng, Washington không chỉ cần phòng vệ an ninh mạng mà còn phải tăng chi tiêu cho năng lực phản công nhằm đối phó với các vụ tấn công mạng trong tương lai.

Diễn biến đó đưa vấn đề an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ Tổng thống Biden. Ngày 12-5, ông Biden ký sắc lệnh tăng cường phòng vệ mạng, nâng cao năng lực của Cơ quan An ninh mạng và hạ tầng (CISA). Ngày 27-7, ông Biden cảnh báo một cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào Mỹ có thể dẫn đến một cuộc “chiến tranh nổ súng thật” với một cường quốc. “Tôi cho rằng nếu chúng ta phải đối mặt với kết cục là chiến tranh - một cuộc chiến nổ súng thật với một cường quốc - thì khả năng cao đó sẽ là hậu quả của một vụ tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Biden nói.

Không chỉ ở Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đối mặt với các cuộc tấn công mạng nghiêm trọng. Công ty an ninh mạng Cybereason (trụ sở tại Massachusetts, Mỹ) ước tính tổng thiệt hại toàn cầu trong năm 2021 vì các vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc sẽ lên đến 20 tỷ USD. Đài CBS dẫn báo cáo của công ty này cho biết, cứ mỗi 11 giây lại có một vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc nhắm vào các doanh nghiệp trên thế giới. Còn Công ty bảo mật McAfee ước tính chi phí cho năm 2020 của thế giới lên đến 1.000 tỷ USD, bao gồm thiệt hại về tài chính và chi tiêu cho an ninh mạng.

Cách đây một tháng, hội nghị an ninh Cyber Week (Tuần lễ Không gian mạng) tại thành phố Tel Aviv của Israel, quy tụ hơn 8.000 chuyên gia an ninh mạng, đại diện các doanh nghiệp, học giả, các quan chức chính phủ đến từ 80 quốc gia, đã kêu gọi chống lại các cuộc tấn công mạng, nhấn mạnh rằng không gian mạng sẽ là nơi diễn ra các cuộc chiến tranh trong tương lai. Chuyên gia Stevan Bernard, nguyên Phó Chủ tịch điều hành Dịch vụ bảo vệ toàn cầu của Công ty Sony Pictures Entertainment, cho rằng các cuộc tấn công mạng quy mô lớn là một loại hình chiến tranh và cần nhanh chóng có những biện pháp hữu hiệu để chặn đứng.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.