Nước Mỹ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11-9 với mối lo ngại về nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, nhất là sau khi cường quốc này vừa hoàn tất chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan.
Lửa và khói bốc lên từ tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới ở New York ngày 11-9-2001. Ảnh: Getty Images |
Ngày 11-9-2001, cả thế giới chấn động khi các đối tượng khủng bố điều khiển 4 máy bay chở khách, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất nước Mỹ. Tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) tại thành phố New York sụp đổ. Một phần mặt phía tây của tòa nhà Lầu Năm Góc tại quận Arlington, bang Virginia, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tổng cộng gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người khác bị thương, tổn thất lên tới 3.000 tỷ USD.
Cuộc chiến “chống khủng bố toàn cầu” ngay lập tức được Tổng thống Mỹ lúc đó là ông G.W.Bush phát động, cùng với sự ra đời Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) đã xoay chuyển toàn bộ chiến lược ngoại giao và an ninh của cường quốc hàng đầu thế giới.
Hãng tin AP cho biết, đầu tháng 9-2021, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét các tài liệu điều tra của Cục Điều tra liên bang (FBI) về vụ khủng bố 11-9-2001 để giải mật và công bố hồ sơ vụ việc này. Ông muốn thực hiện cam kết khi tranh cử đã đưa ra rằng sẽ bảo đảm tính minh bạch liên quan đến việc giải mật hồ sơ vụ khủng bố 11-9-2001 bởi vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp dù đã 20 năm trôi qua.
Ngày 7-9, tại căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Guantanamo (Cuba), Mỹ nối lại phiên xét xử 5 nhân vật đứng sau loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11-9. Các bị cáo bị giam giữ trên vịnh Guantanamo gần 15 năm qua. Osama bin Laden, trùm khủng bố Al-Qaeda, đã bị tiêu diệt. Khu vực Manhattan thuộc New York nay hồi sinh, Trung tâm Thương mại Một thế giới (One World Trade Center), còn gọi là Tháp Tự do, mọc lên thay thế tòa tháp đôi của khu phức hợp WTC đã bị khủng bố đánh sập. Và cách đây chỉ 2 tuần, quân nhân Mỹ cuối cùng đã rời sân bay Kabul của Afghanistan, kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm của Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng, các Tổng thống Mỹ sau thời ông G.W.Bush đều có những nỗ lực, dù thành công hay không thành công, trong việc rút quân đội khỏi các cuộc xung đột ở Trung Đông và Trung Á. Tháng 2-2020, ông Donald Trump khi làm Tổng thống Mỹ đã ký thỏa thuận với Taliban, trong đó có điều khoản Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan, còn nhóm này sẽ ngăn chặn Al-Qaeda lợi dụng Afghanistan để đe dọa an ninh của Mỹ và đồng minh.
Theo AP, Tổng thống Joe Biden giờ đây đang nỗ lực khôi phục niềm tin của người dân Mỹ và thế giới vào chính phủ đương nhiệm, nhưng sẽ không có con đường nào dễ dàng. Nhà lãnh đạo này vừa kết thúc một cuộc chiến tranh đã làm nước Mỹ tổn thất hàng nghìn tỷ USD, gần 2.500 sinh mạng binh sĩ, thêm vào đó là sinh mạng của hơn 1.000 binh sĩ đồng minh phương Tây cùng hàng chục nghìn quân nhân, dân thường Afghanistan. Tổng thống Biden cam kết ngăn chặn Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn của Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác muốn tấn công nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề đơn giản bởi Mỹ đã không còn hiện diện quân sự tại Afghanistan. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi cuộc chiến chống khủng bố chưa thể kết thúc và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan trở thành cuộc đấu tranh toàn cầu mới?
Nhiều quan chức Mỹ cho rằng, Taliban vẫn duy trì quan hệ với Al-Qaeda. Chính Taliban từng cho phép Al-Qaeda hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan trong giai đoạn 1996-2001. Điều đó minh chứng rằng, mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố ở Afghanistan mà ông G.W.Bush đã đặt ra 20 năm trước đến nay vẫn chưa được hoàn thành.
Hãng tin AP cho biết, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cách đây vài ngày đã cảnh báo Mỹ đang đối mặt với các nguy cơ đe dọa ngày càng phức tạp từ những phần tử cực đoan chống chính phủ và phân biệt chủng tộc. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov hôm 9-9 cũng nói rằng, kể từ ngày xảy ra vụ khủng bố 11-9-2001, mối đe dọa khủng bố đã thay đổi đáng kể, xuất hiện những thách thức mới không thể coi thường được đối với các nước trên thế giới.
Điều đó có nghĩa là mối đe dọa khủng bố vẫn còn đó. Đối với người dân Mỹ, “di sản” 11-9-2001 là ký ức khó quên, là nỗi đau mỗi khi nhắc nhớ. Cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew mới đây cho thấy, 97% người dân Mỹ vẫn nhớ như in họ đã ở đâu khi vụ tấn công 11-9 xảy ra.
PHÚC NGUYÊN