Chính biến ở Guinea

.

Guinea đang đối mặt với khủng hoảng chính trị khi quân đội tuyên bố đảo chính, bắt giữ Tổng thống Alpha Condé và giải tán chính phủ, hủy bỏ hiến pháp.

Việc Tổng thống Alpha Condé tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2020 gây nhiều tranh cãi và làm dấy lên làn sóng phản đối ở Guinea. 									Ảnh: AFP/Getty Images
Việc Tổng thống Alpha Condé tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2020 gây nhiều tranh cãi và làm dấy lên làn sóng phản đối ở Guinea. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng tin Reuters cho biết, vụ đảo chính bắt đầu xảy ra khi có tiếng súng lớn nổ ra gần dinh tổng thống ở thủ đô Conakry sáng 5-9. Có thông tin cho hay, một đơn vị binh sĩ tinh nhuệ của Guinea, do Trung tá Mamady Doumbouya dẫn đầu, thực hiện vụ việc.

Trong một tuyên bố trên đài truyền hình nhà nước Guinea, nhóm binh sĩ đặc nhiệm - tự xưng là Ủy ban Hòa giải và Phát triển quốc gia (NCRD) cho biết, các bộ trưởng sắp mãn nhiệm và người đứng đầu các thể chế của quốc gia Tây Phi này được mời tham dự một cuộc họp lúc 11 giờ ngày 6-9 (giờ địa phương) tại trụ sở Quốc hội. Những ai không tham dự bị coi là nổi loạn. “Chúng tôi đã giải tán chính phủ và bãi bỏ hiến pháp. Chúng ta sẽ cùng nhau viết lại hiến pháp”, Reuters dẫn lời ông Doumbouya nêu rõ. Lực lượng của ông Doumbouya cũng tuyên bố đóng cửa biên giới trên bộ và trên không, đồng thời áp dụng giới nghiêm toàn quốc từ 20 giờ ngày 5-9 (giờ địa phương).

Theo BBC, Tổng thống Guinea Alpha Condé bị bắt giữ nhưng chưa rõ số phận của ông. Phát biểu trên đài truyền hình nhà nước Guinea, lực lượng đảo chính còn cho hay, họ đã thay thế các thống đốc khu vực bằng các tướng quân đội và ông Condé vẫn an toàn.

Lý giải về cuộc nổi dậy, Trung tá Doumbouya nói rằng, các binh sĩ lật đổ vị Tổng thống 83 tuổi vì muốn chấm dứt nạn tham nhũng và quản lý yếu kém. “Chúng ta sẽ không giao phó chính trị cho một người nữa mà sẽ giao phó cho người dân”, ông Doumbouya nói, đồng thời cáo buộc Tổng thống Condé không nỗ lực cải thiện nền kinh tế và tình trạng của đất nước không hề được cải thiện sau 72 năm giành độc lập từ Pháp.

Với dân số khoảng 13 triệu người, dù Guinea sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đáng kể nhưng lại là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Theo BBC, Tổng thống Condé đã chiến thắng nhiệm kỳ thứ ba sau khi thông qua một điều khoản mới của hiến pháp vào tháng 3-2020 cho phép ông vượt qua giới hạn 2 nhiệm kỳ.

Ông Condé trở thành tổng thống đầu tiên được bầu thông qua hình thức bỏ phiếu dân chủ tại Guinea năm 2010, sau đó tái cử vào năm 2015. Trong thời gian nắm quyền, ông Condé đã thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế mặc dù chưa thể đẩy lùi tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói lan rộng. Tuy nhiên, việc ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba đã dẫn đến làn sóng biểu tình bạo lực do đụng độ với lực lượng an ninh; hàng chục người chết và hàng trăm người khác bị bắt giữ. Mức độ tín nhiệm ông cũng ngay lập tức lao dốc. Các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Condé và hiến pháp mới gia tăng, đẩy Guinea vào khủng hoảng chính trị.

Vụ đảo chính như những gì NCRD tuyên bố đang thu hút sự quan tâm của các nhà quan sát và cộng đồng quốc tế. Trên Twitter, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lên án mạnh mẽ “bất kỳ sự tiếp quản chính phủ bằng vũ lực nào” và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Condé.

Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Tổng thống Ghana Nana Akuffo-Addo, gọi đây một cuộc đảo chính có chủ đích. Liên minh châu Phi (AU) cho biết khối này sẽ nhóm họp khẩn cấp và có các biện pháp phù hợp. ECOWAS còn cảnh báo sẽ áp đặt trừng phạt nếu trật tự hiến pháp không được khôi phục ở Guinea.

Mỹ lên án những diễn biến bất ổn xảy ra ở thủ đô Conakry. Hãng tin AP dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, bạo lực và bất kỳ biện pháp nào ngoài phạm vi hiến pháp sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng hòa bình của Guinea, ảnh hưởng đến khu vực Tây Phi.

Guinea có lịch sử bất ổn chính trị kể từ khi giành độc lập. Theo BBC, năm 1984 và năm 2008, quân đội nước này đã 2 lần tiến hành đảo chính. Bản thân Tổng thống Alpha Condé còn bị mưu sát vào năm 2011 nhưng ông may mắn sống sót.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.