Cơ chế COVAX có thể chỉ nhận được hơn 1,4 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 do các nước tài trợ trong năm 2021, giảm gần 30% so với mục tiêu 2 tỷ liều được đưa ra hồi tháng 7.
Các quan chức Uganda hoan nghênh các lô vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 thuộc cơ chế COVAX được đưa đến nước này. Ảnh: AP |
Theo báo The Telegraph, cơ chế “Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19” (viết tắt là COVAX) đã hạ 25% dự báo cung cấp vắc-xin trong năm 2021. Thông cáo chung được Liên minh vắc-xin Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) công bố ngày 8-9 cho hay, mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo sẽ bị cắt giảm 30% và xuống còn hơn 1,4 tỷ liều trong năm nay.
Các tổ chức nói trên lý giải, quyết định cắt giảm mục tiêu phân phối của COVAX do nhiều yếu tố: Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà cung cấp chính trong chương trình - hạn chế xuất khẩu vắc-xin; các vấn đề sản xuất của Johnson & Johnson và AstraZeneca, sự chậm trễ phê duyệt vắc-xin mới do Novavax của Mỹ và Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc phát triển. “Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn thế giới vì chúng tôi đã thấy những hậu quả khủng khiếp xảy ra khi virus không được kiểm soát”, Giám đốc điều hành Gavi, ông Seth Berkley nói.
Báo New York Times cho hay, COVAX vẫn đặt mục tiêu đến quý 1 năm 2022 sẽ phân phối 2 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19. Tính đến nay, khoảng 243 triệu liều vắc-xin đã được đưa đến 139 quốc gia thông qua COVAX. Tổng cộng 5,56 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu, trung bình 31,23 triệu liều/ngày. Song, điều đáng nói là khoảng 80% trong số đó thuộc về những nước có nhu nhập cao. Hơn 41% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều, nhưng tỷ lệ này ở nhóm nước thu nhập thấp chỉ 1,9%.
Ông Berkley cho rằng, khoảng cách tiêm chủng nói trên sẽ thu hẹp nếu các nước giàu đã tiêm chủng cho phần lớn dân số của họ tặng lượng vắc-xin còn dư cho COVAX. Theo Bloomberg, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh, các quốc gia có thu nhập thấp đã sẵn sàng thực hiện các chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 một cách hiệu quả và đã đến lúc các nhà sản xuất cũng như các nước giàu thực hiện cam kết cung cấp vắc-xin để giảm sự bất bình đẳng về y tế toàn cầu.
Phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Tôi sẽ không im lặng khi các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vắc-xin toàn cầu nghĩ là các nước nghèo trên thế giới nên hài lòng với phần vắc-xin thừa”. Người đứng đầu WHO đã nhiều lần kêu gọi các nước tạm hoãn tiêm liều vắc-xin tăng cường cho đến cuối tháng 9, nhằm giải quyết sự bất bình đẳng trong việc phân bổ liều vắc-xin giữa các nước giàu và nghèo. Liều thứ ba có thể cần thiết cho những nhóm dân số có nguy cơ cao nhất. Trong phát biểu, ông Tedros nhấn mạnh WHO hiện không muốn thấy việc sử dụng rộng rãi liều vắc-xin tăng cường cho những người khỏe mạnh đã được tiêm chủng đầy đủ. “Chúng tôi không muốn có thêm lời hứa nào nữa. Chúng tôi chỉ muốn có vắc-xin”, ông Tedros nói.
Mấy ngày trước, công ty phân tích dữ liệu Airfinity (Anh) ước tính đến cuối năm nay sẽ có 11,3 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19, đủ để tiêm cho 80% dân số toàn cầu và các nước giàu dự kiến dư thừa khoảng 1,2 tỷ liều. Cũng theo Airfinity, trong số hơn 1 tỷ liều mà nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) cam kết, chưa đến 15% đã được chuyển giao.
Tính đến nay, thế giới có hơn 223,4 triệu người mắc Covid-19 và 4,6 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometers. Mỹ vẫn dẫn đầu với hơn 41,3 triệu ca nhiễm và 671.000 ca tử vong.
"Chúng tôi không muốn có thêm lời hứa nào nữa. Chúng tôi chỉ muốn có vắc-xin” Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus |
BÌNH YÊN