Di sản của Thủ tướng Đức Angela Merkel

.

Đức sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử ngày 26-9 để bầu Quốc hội và lãnh đạo mới cho chính phủ. Bà Angela Merkel, nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước, sẽ rời cương vị sau 16 năm chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Thủ tướng Angela Merkel có kế hoạch từ chức sau cuộc bầu cử vào ngày 26-9.  								      Ảnh: AFP
Thủ tướng Angela Merkel có kế hoạch từ chức sau cuộc bầu cử vào ngày 26-9. Ảnh: AFP

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức đã vượt qua thành công nhiều cuộc khủng hoảng, trong đó có khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và đợt giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công cho Hy Lạp năm 2015 với chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Những quyết định để đời

Với người dân Đức, Thủ tướng Merkel sẽ còn được nhắc tới về đóng góp đáng kể khi chính phủ của bà đề xuất thành công dự luật sửa đổi ngân sách cân đối được gọi là “phanh nợ” (Schuldenbremse). Dự luật này được phê chuẩn năm 2009, trở thành nền tảng pháp lý vững chắc bảo đảm cho ngân sách công của liên bang không bị thâm hụt cơ cấu, hoặc thâm hụt rất hạn chế (chỉ khoảng 0,35% GDP liên bang).

Một quyết định lớn khác cũng sẽ “ở lại” với nhân dân Đức, gắn liền với tên tuổi của nhà lãnh đạo Merkel ngay cả khi bà không còn làm Thủ tướng, đó là việc bà công bố đưa nước Đức rút khỏi điện hạt nhân kể từ năm 2022 sau khi xảy ra thảm họa Fukushima ở Nhật Bản vào năm 2011, để hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đáp ứng 35% nhu cầu năng lượng vào năm 2020 và tỷ trọng này có thể sẽ tăng lên 80% vào năm 2050. Đây là một quyết định mà phần lớn người dân Đức và ngay cả nhiều nhà lãnh đạo khác của thế giới cũng đánh giá là sáng suốt, dũng cảm.

Năm 2015, bà Merkel đi ngược với các nguyên tắc về giải quyết làn sóng người tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) khi quyết định tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ Syria và những nơi khác. Bà kêu gọi người tị nạn học tiếng Đức và nên cởi mở với người bản xứ, mở rộng mối quan hệ. Bà được ca ngợi là “nhà lãnh đạo đạo đức của châu Âu”. Rất nhiều người tị nạn đã gọi bà là “mẹ Merkel”. Nhiều bé gái ra đời sau khi cha mẹ được mở đường tị nạn tại Đức đã mang tên Angela.

Ở cấp độ EU, bà Merkel kiên định với quan điểm cải tổ cấu trúc trong cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), quyết tâm hoàn tất thỏa thuận đường dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 2 với Nga để bảo đảm an ninh năng lượng cho Đức và EU. Bà cũng ủng hộ việc phát hành trái phiếu EU để vực dậy nền kinh tế của liên minh gồm 17 thành viên sau đại dịch Covid-19.

Từ trái sang: Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris (Pháp) năm 2019. 							Ảnh: Reuters
Từ trái sang: Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris (Pháp) năm 2019. Ảnh: Reuters

Mong manh quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Một di sản lớn nữa là Thủ tướng Merkel đã giúp mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương trở nên ấm áp. Tuy nhiên, khi bà rời cương vị sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp, các nhà quan sát cho rằng, mối quan hệ này dường như sẽ trở nên khó đoán hơn.

Năm 2005, khi lần đầu tiên đắc cử Thủ tướng Đức, bà Merkel là đồng minh vững chắc của Mỹ. Bà là một trong những chính trị gia nổi bật nhất ở châu Âu ủng hộ quyết định phát động chiến tranh tại Iraq của chính quyền Tổng thống Mỹ lúc đó là ông G.W.Bush.

Suốt 16 năm tại nhiệm, bà Merkel đã làm việc với 4 đời tổng thống Mỹ, từ ông G.W.Bush đến ông Joe Biden. Dù vậy, bà cũng đã chứng kiến nền kinh tế Đức ngày càng có liên hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Hơn nữa, Đức đã sát cánh với Pháp để ứng phó với những ảnh hưởng chính trị của Mỹ tại châu Âu, bác bỏ các yêu sách của Washington trong những chính sách kinh tế và Berlin cũng có phần cởi mở hơn với công nghệ của Trung Quốc, thay vì “tẩy chay” như cách đồng minh Mỹ làm đối với Bắc Kinh.

Ở thời điểm ngày bầu cử cận kề, hai ứng cử viên nổi bật nhất được xem là có khả năng trở thành người kế nhiệm bà Merkel là ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU). Đáng chú ý, theo báo Wall Street Journal, cả hai người này đều từng bày tỏ quan điểm chỉ trích một số chính sách của Mỹ, đồng thời ủng hộ quan hệ thương mại gần gũi hơn với Nga và Trung Quốc.

Cái bóng quá lớn

Dù ai kế nhiệm bà Merkel để lãnh đạo nước Đức ở giai đoạn “hậu Merkel” thì cũng sẽ đối mặt với thách thức rất lớn của việc duy trì hình ảnh tích cực về nước Đức trên chính trường thế giới, vốn đã được khẳng định mạnh mẽ dưới thời bà Merkel.

Theo kết quả thăm dò dư luận ngày 22-9 của Trung tâm nghiên cứu Pew về đánh giá Thủ tướng Merkel cũng như di sản chính trị của bà trong năm tại nhiệm cuối cùng, phần lớn những người tham gia khảo sát cho biết, họ tin tưởng nhà lãnh đạo này đã có những quyết định đúng đắn về các vấn đề quốc tế. Trong đó, cách xử lý đại dịch Covid-19 của nước Đức cũng như sự đóng góp, vai trò của quốc gia này trong EU được đánh giá rất tích cực.

Nhìn chung, suốt 16 năm làm Thủ tướng Đức, bà Merkel thường xuyên nhận được tỷ lệ ủng hộ của công chúng ở mức tương đối cao. Trong năm cuối cùng tại nhiệm, theo khảo sát của Pew, bên cạnh việc dư luận trong nước đánh giá tích cực, bà Merkel cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất từ công chúng ở hầu hết trong số 16 nền kinh tế phát triển tại Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương (những nơi Pew thực hiện khảo sát).

DƯƠNG KIM THOA
(Theo Quartz, Pew Research, BBC, WST, NYT)

"Bà Angela Merkel đã được tạp chí Forbes tôn vinh là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong 10 năm liên tiếp. Đã có một thế hệ ở Đức chưa bao giờ biết ai khác hơn nhà lãnh đạo nữ đó. Vị trí của bà có ý nghĩa biểu tượng quan trọng cho sự hiện diện của nữ giới. Bà đã giúp đưa nhiều phụ nữ vào các cương vị chủ chốt, chẳng hạn như việc ủng hộ bà Ursula von der Leyen - nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Đức trước đây và hiện là Chủ tịch Ủy ban châu Âu”
Bà Charlotte Galpin, giảng viên cao cấp về chính trị Đức và châu Âu tại Đại học Birmingham (Anh)
"Di sản chính sách của bà ấy là sự pha trộn lạ lùng giữa hiện đại và bảo thủ. Có những điều hiện đại như hôn nhân đồng giới, giải trừ năng lượng hạt nhân và hoan nghênh các chính sách nhập cư lẽ ra là những điều vốn không được chờ đợi ở một Thủ tướng của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo”
TS. Rüdiger Schmitt-Beck, giáo sư Khoa học chính trị và Xã hội học chính trị tại Đại học Mannheim (Đức)

 

;
;
.
.
.
.
.