"Hạ nhiệt" mối quan hệ giữa Mỹ - Canada với Trung Quốc

.

Sau gần 1.000 ngày căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ - Canada với Trung Quốc xung quanh vụ Ottawa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, ngày 24-9 vừa qua, Bộ Tư pháp Canada cho biết, bộ này đã thông báo cho tòa án về việc Bộ Tư pháp Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu về Mỹ. Do đó, không có cơ sở để tiếp tục thủ tục dẫn độ và bà Mạnh Vãn Châu được tự do rời Canada.

Cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ việc ngày 1-12-2018, Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại sân bay Vancouver, theo đề nghị của Mỹ, cáo buộc bà đã gian lận ngân hàng nhằm lách lệnh cấm vận của Washington đối với Iran.

Sau đó 9 ngày, chính quyền Bắc Kinh bắt giữ Michael Spavor - doanh nhân Canada đang làm ăn tại Trung Quốc và Michael Kovrig - cựu nhân viên ngoại giao Canada. Lý do bắt giữ rất đơn giản: Những người này làm gián điệp và sau đó bị tòa án Bắc Kinh tuyên phạt tù giam.

Như vậy, các công dân Canada bị kết án tại Trung Quốc đang trở thành “con tin” của cuộc đấu ngoại giao và tư pháp giữa Bắc Kinh - Ottawa. Mặt khác, Canada cũng trong hoàn cảnh không khác gì một “con tin” của mối quan hệ Mỹ - Trung. Trong vụ này, Canada - đồng minh của Mỹ - thực sự bị đẩy vào thế khó.

Thế là Canada và Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có kể từ năm 1970. Trung Quốc đã dùng những đòn trừng phạt thương mại gây thiệt hại nặng nề và đẩy quan hệ Bắc Kinh - Ottawa xuống mức tệ hại nhất.

Sau cuộc bầu cử ở Mỹ, tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2021, Tổng thống Joe Biden nhìn nhận vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Đặc biệt, trong cuộc bầu cử mới đây tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau giành thắng lợi thì Mỹ cũng muốn sớm giải quyết vụ việc để củng cố vị thế của đồng minh chiến lược.

Ngày 17-9 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ nối lại đàm phán với Huawei về vụ kiện dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu. Sau nhiều tuần đàm phán, hai bên đạt được thỏa thuận là bà Mạnh Vãn Châu “thừa nhận đã nói dối” về mối liên hệ của tập đoàn Huawei với một công ty kinh doanh ở Iran.

Với thỏa thuận đạt được, Bộ Tư pháp Mỹ cho phép đình chỉ các thủ tục tố tụng của nước này nhắm vào bà Mạnh Vãn Châu cho đến tháng 12-2022, hủy bỏ các yêu cầu dẫn độ đối với bà.

Rất nhanh, sau khi giới chức Canada tuyên bố thả bà Mạnh Vãn Châu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cho biết, hai công dân nước này có liên quan được phóng thích, đã “rời khỏi không phận Trung Quốc” và đang trên đường về nước. Ngoài ra, 2 công dân Mỹ Cynthia và Victor Liu, có cha là cựu nhân viên ngân hàng bỏ trốn, bị Trung Quốc truy nã vì các cáo buộc tham nhũng, cũng đã trở về Mỹ cuối tuần vừa qua.

Theo GS. Huang Jing thuộc Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, vụ bà Mạnh Vãn Châu từ đầu chủ yếu mang tính chính trị nên cũng rất hợp lý khi được giải quyết thông qua thỏa hiệp chính trị Mỹ - Trung. Kết quả vụ việc này sẽ có tác động tích cực đến mối quan hệ ba bên: Mỹ - Trung Quốc - Canada. “Thỏa thuận về bà Mạnh Vãn Châu giữa Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai nước hoàn toàn có thể ngồi xuống và giải quyết bất đồng trong hòa bình. Thay vì đối đầu, cùng có thiện chí đối thoại với nhau vẫn tốt hơn rất nhiều”, GS. Huang Jing nói.

Các chuyên khác cho rằng, Trung Quốc và Mỹ có thể hướng tới giải quyết cho những vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn việc dỡ bỏ thuế quan trừng phạt mà chính phủ tiền nhiệm Donald Trump áp đặt vào năm 2018. Biết đâu cánh cửa cho các cuộc đàm phán về việc xóa bỏ hoặc gỡ bỏ một phần thuế quan có thể sớm được mở lại vào cuối tháng 10 tới, bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)! Chính phủ của Tổng thống Biden hiện vẫn muốn hợp tác với Trung Quốc ở những vấn đề có lợi ích chung như hợp tác chống biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu. Trong tương lai, có thể sẽ có các cuộc tiếp xúc giữa hai nước để tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng...

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.