Mỹ bàn chuyện Afghanistan thời hậu chiến

.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ đang xem xét vấn đề Afghanistan có thể định hình mối quan hệ của Washington với Trung Đông như thế nào khi gặp gỡ các đồng minh then chốt vùng Vịnh và châu Âu trong tuần này.

Người dân Afghanistan được sơ tán bằng máy bay Mỹ từ thủ đô Kabul đến căn cứ Hải quân Rota ở Tây Ban Nha ngày 31-8. Ảnh: Reuters
Người dân Afghanistan được sơ tán bằng máy bay Mỹ từ thủ đô Kabul đến căn cứ Hải quân Rota ở Tây Ban Nha ngày 31-8. Ảnh: Reuters

Hãng tin AP cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã rời Washington, D.C để đến vùng Vịnh trong những chuyến công du riêng rẽ. Hai ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo đóng vai trò trung tâm trong những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các mối đe dọa cực đoan ở Afghanistan; trong đó, lãnh đạo một số nước vốn là đối tác của Washington trong cuộc chiến kéo dài 20 năm chống Taliban.

Các chuyến công cán của hai quan chức hàng đầu của Mỹ trong lúc này được cho là động thái để Nhà Trắng tái khẳng định với các đồng minh vùng Vịnh rằng, quyết định của Tổng thống Joe Biden kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan nhằm phục vụ chiến lược “xoay trục” ứng phó với các thách thức an ninh khác như Trung Quốc và Nga. Theo AP, quân đội Mỹ đồn trú ở vùng Vịnh suốt nhiều thập niên, trong đó có trụ sở của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ ở Bahrain. Tổng thống Biden không đề nghị kết thúc sự hiện diện này, nhưng ông (cũng như chính phủ tiền nhiệm Donald Trump) gọi Trung Quốc là ưu tiên an ninh số 1, cùng với các thách thức chiến lược từ Nga.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc trước chuyến đi, Bộ trưởng Austin nói rằng, việc tập trung vào các mối đe dọa khủng bố có nghĩa là nỗ lực không ngừng chống lại “bất kỳ mối đe dọa nào đối với người dân Mỹ từ bất kỳ nơi đâu”. Sau chuyến thăm Qatar, ông Austin sẽ đến các quốc gia Bahrain, Kuwait và Saudi Arabia.

Qatar là điểm trung chuyển gần 50% trong số hơn 120.000 người di tản khỏi Afghanistan trong những ngày cuối cùng trước khi Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi quốc gia Nam Á này. Còn Saudi Arabia vắng mặt trong nhóm các quốc gia vùng Vịnh đã hỗ trợ Mỹ sơ tán công dân khỏi sân bay Kabul. Mối quan hệ giữa Riyadh và Washington hiện căng thẳng xung quanh những nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran và cả những vấn đề khác.

Trong khi đó, theo AP, Ngoại trưởng Blinken cũng đến Qatar vào ngày 6 và 7-9 (giờ địa phương), sau đó sẽ dừng chân ở Đức để xem xét việc sơ tán công dân Afghanistan tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ. Ông cũng sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến với những người đồng cấp 20 nước tham gia chiến dịch sơ tán và định cư cho người Afghanistan.

Rút quân khỏi Afghanistan là một trong những cam kết chủ chốt của ông Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nhà lãnh đạo Mỹ đã nói rằng, việc kết thúc cuộc chiến 20 năm là một phần trong kế hoạch “sang trang” về chính sách ngoại giao. Và các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh, nơi mà các mối đe dọa cực đoan vẫn đang chờ chực trước cửa, muốn biết trang tiếp theo trong chính sách ngoại giao của Mỹ như thế nào. 

Ở châu Âu cũng vậy, các đồng minh của Mỹ đang đánh giá về cuộc chiến tại Afghanistan và những tác động đối với lợi ích của “lục địa già”. Trong đó, một câu hỏi được đặt ra là châu Âu có nên giảm phụ thuộc vào Mỹ hay không. “Chúng ta cần gia tăng khả năng tự hành động khi cần thiết”, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và ngoại giao Josep Borrell Fontelles viết trên Twitter.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đưa quân đội đồn trú ở Afghanistan. Khi ông Biden tuyên bố rút quân hoàn toàn, các nước châu Âu hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hành động theo. Một số đồng minh của Mỹ trong NATO ngoài nghi về sự khôn ngoan trong quyết định rút quân của Tổng thống Biden, nhưng dẫu sao cuộc khủng hoảng Afghanistan cũng có thể không làm suy yếu mối quan hệ ràng buộc giữa Washington và châu Âu.

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 7-9, Liên Hợp Quốc kêu gọi tài trợ thêm gần 200 triệu USD cho công tác viện trợ nhân đạo ở Afghanistan trong lúc các dịch vụ cơ bản tại quốc gia Nam Á này đang sụp đổ, lương thực và các hoạt động viện trợ thiết yếu khác cũng sắp cạn kiệt. Khoản kinh phí bổ sung sẽ nâng tổng số tiền cần viện trợ cho Afghanistan lên hơn 600 triệu USD đến cuối năm nay.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.