Mỹ tặng 500 triệu liều vắc-xin Pfizer cho các nước

.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chính thức thông báo kế hoạch tặng thêm 500 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước, nâng số vắc-xin mà Washington cam kết hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình lên hơn 1,1 tỷ liều.

500 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech dự kiến bắt đầu được vận chuyển từ tháng 1-2022. Ảnh: Getty Images
500 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech dự kiến bắt đầu được vận chuyển từ tháng 1-2022. Ảnh: Getty Images

Hãng tin AP cho biết, thông tin Mỹ tặng thêm 500 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước được Tổng thống Joe Biden thông báo sơ bộ trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 21-9 (giờ New York, Mỹ).

Tổng thống Biden sẽ thông báo cụ thể hơn về kế hoạch viện trợ này tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến quốc tế về ứng phó chống Covid-19 ngày 22-9 (giờ Mỹ), với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo các nước. Một quan chức Nhà Trắng nói rằng, 500 triệu liều vắc-xin dự kiến bắt đầu được vận chuyển từ tháng 1-2022 thông qua cơ chế COVAX - sáng kiến chia sẻ vắc-xin toàn cầu, nâng số lượng vắc-xin Mỹ cam kết hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình lên đến hơn 1,1 tỷ liều.

Theo AP, hội nghị trực tuyến do Tổng thống Biden chủ trì sẽ đề cập hàng loạt vấn đề: tiêm chủng cho thế giới bằng cách tạo điều kiện tiếp cận vắc-xin công bằng; cứu thêm nhiều người thông qua việc chấm dứt cuộc khủng hoảng thiếu oxy y tế, các phương tiện xét nghiệm, trang bị bảo hộ y tế và thuốc điều trị; thiết lập một cơ chế tài trợ an ninh y tế bền vững và đi đầu trong việc đối phó các mối đe dọa mới xuất hiện; tăng cường trách nhiệm của các nước bằng việc cùng phối hợp xác định các mục tiêu, theo dõi tiến độ và hỗ trợ nhau hoàn thành các cam kết.

Tờ Los Angeles Times cho hay, Tổng thống Biden muốn đạt mục tiêu 70% dân số toàn cầu được tiêm vắc-xin trước tháng 9-2022. Theo đó, các cam kết của Mỹ sẽ là nền tảng của hội nghị. Chính phủ của ông Biden sẽ kêu gọi các nước và bản thân Washingon đi đầu trong nỗ lực phân phối vắc-xin.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ là quốc gia viện trợ vắc-xin nhiều nhất trên thế giới, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 21-9, Tổng thống Biden còn cho biết, Mỹ đã chi 15 tỷ USD để mua và viện trợ 160 triệu liều vắc-xin cho hơn 100 nước trên thế giới. Ông gọi đó là “những liều vắc-xin của hy vọng” đến từ nhân dân Mỹ và không đi kèm bất kỳ điều kiện ràng buộc nào.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ muốn tiêm vắc-xin cho 70% dân số ở nước này trước ngày 4-7, nhưng không đạt được mục tiêu. Đến nay, gần 64% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và 55% được tiêm chủng đầy đủ. Con số này có thể sẽ tăng trong những tháng tới, khi các chiến dịch tiêm bổ sung được mở rộng và có khả năng cho phép tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) còn cho hay, quốc gia này đã tiêm hơn 2 triệu mũi vắc-xin nhắc lại (mũi thứ ba) trên toàn quốc.

Trong lúc đó, các lãnh đạo thế giới, các nhóm viện trợ và những tổ chức y tế đang gia tăng khuyến cáo về tốc độ tiêm vắc-xin của toàn cầu đang chậm lại, bên cạnh đó là sự bất bình đẳng giữa các nước giàu và nước nghèo hơn trong việc tiếp cận vắc-xin. Vì vậy, AP dẫn thông tin từ Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Biden sẽ dùng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến quốc tế về ứng phó chống Covid-19 ngày 22-9 để gây áp lực, buộc các nước khác phải đưa ra “cam kết đạt mức tham vọng cao hơn” trong kế hoạch chia sẻ vắc-xin của họ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, chỉ 15% số liều vắc-xin được hứa tặng đã được chuyển giao. WHO bày tỏ mong muốn các nước chia sẻ vắc-xin ngay lập tức, đồng thời cung ứng các mũi tiêm cho những chương trình mang lại lợi ích cho các nước nghèo và châu Phi. WHO cũng thúc giục các quốc gia cung cấp vắc-xin cho COVAX.

Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, vừa lên tiếng một lần nữa phản đối mạnh mẽ việc tiêm mũi bổ sung vắc-xin ngừa Covid-19 cho mọi đối tượng đủ điều kiện. Ông cho rằng, các nước giàu có thay vì làm vậy thì hãy tặng số vắc-xin dư cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các chuyên gia của WHO tiếp tục kêu gọi tạm hoãn tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 đến cuối năm nay, qua đó giúp các nước nghèo hơn có đủ thời gian tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số của họ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.