Chính phủ lâm thời của Afghanistan gồm các nhân vật then chốt của Taliban, đều là nam giới và không có đại diện các nhóm thiểu số. Họ cam kết xây dựng lại đất nước Afghanistan chịu thiệt hại nặng nề sau cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid công bố thành phần chính phủ lâm thời Afghanistan. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, ngày 7-9, Taliban công bố chính phủ lâm thời của Afghanistan và gọi quốc gia này là “Tiểu vương quốc Hồi giáo” (Islamic Emirate). Đứng đầu chính phủ là ông Mullah Mohammad Hassan Akhund, một trong những người sáng lập Taliban. Cấp phó của ông Akhund là ông Mullah Abdul Ghani Baradar, đồng sáng lập Taliban và là chỉ huy cấp cao trong cuộc chiến chống lại Mỹ. Cả hai nhân vật này hiện có tên trong “danh sách đen” của Liên Hợp Quốc.
Lãnh đạo nhóm chiến binh Haqqani, Sirajuddin Haqqani, được chọn làm Bộ trưởng Nội vụ. Mạng lưới Haqqani ở Afghanistan và Pakistan có mối liên hệ với Taliban, đứng sau các vụ tấn công đẫm máu nhất ở Afghanistan trong cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, trong đó có vụ đánh bom xe ở thủ đô Kabul năm 2017 làm hơn 150 người chết. Mạng lưới Haqqani bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố, riêng Sirajuddin Haqqani bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy nã gắt gao, giới chức ở Washington treo thưởng 10 triệu USD cho việc bắt giữ nhân vật này. Nhóm Haqqani còn bị quy trách nhiệm vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ và các cơ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Kabul ngày 12-9-2011 làm 8 người thiệt mạng.
Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng thuộc về ông Mullah Yaqoob, con trai của Mullah Omar - cũng là người sáng lập Taliban. Ngoại trưởng là ông Amir Khan Muttaqi, thủ lĩnh cấp cao của Taliban từng tham gia đàm phán với Mỹ hồi năm ngoái về việc Washington rút quân ở Afghanistan. Chính phủ mới của Afghanistan sẽ đặt dưới sự chỉ huy của lãnh tụ tối cao Mullah Haibatullah Akhundzada, thủ lĩnh đời thứ ba của Taliban.
Trong một tuyên bố bằng văn bản do Taliban đưa ra, ông Akhundzada cam kết sẽ xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá. Ông khẳng định Taliban sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế cùng các hiệp ước, miễn là không có sự xung đột với luật Hồi giáo.
Hồi giữa tháng 8, Taliban đã kiểm soát được hầu hết lãnh thổ Afghanistan, trong đó có thủ đô Kabul, lật đổ chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani. Cách đây vài ngày, Taliban tuyên bố đánh bại thành trì cuối cùng của lực lượng kháng chiến và hoàn toàn chiếm được Afghanistan. Việc công bố danh sách nói trên là một bước đi quan trọng trong việc thành lập chính phủ lâm thời. Song, chính phủ dưới thời Taliban giờ đây sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể, chẳng hạn ổn định nền kinh tế của đất nước và có được sự công nhận của quốc tế.
Hãng tin AP dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, chính phủ nói trên không đa dạng như cam kết ban đầu của Taliban, không có đại diện của các nhóm thiểu số. Điều này làm dấy lên quan ngại Taliban cũng sẽ không giữ cam kết bảo vệ các quyền của phụ nữ. Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid lý giải, việc bổ nhiệm này chỉ mang tính tạm thời, nhưng không cho biết chính phủ tạm quyền sẽ hoạt động bao lâu. Kể từ khi tiếp quản Afghanistan vào giữa tháng 8 đến nay, Taliban không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tổ chức bầu cử.
Ngày 8-9, Trung Quốc - vốn có chung đường biên giới với Afghanistan - lên tiếng, xem việc lập chính phủ lâm thời ở Kabul là một bước đi cần thiết hướng đến tái thiết đất nước láng giềng này, Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định. Trong khi đó, tại Tokyo, các quan chức nói rằng, Nhật Bản đang theo dõi các hành động của Taliban, tiếp tục hợp tác với Mỹ và các nước khác, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự an toàn của người dân Afghanistan.
BÌNH YÊN