Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 308.000 ca nhiễm và 4.458 ca tử vong. Tình hình tại Nga và Ukraine chưa có chuyển biến tích cực khi vẫn là điểm nóng của thế giới về cả ca nhiễm và tử vong mới.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 9-4-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25-10 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 244.399.906 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.963.289 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 308.912 và 4.458 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 221.410.321 người, 18.026.296 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 75.445 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, nước Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, với 39.962 ca; tiếp theo là Nga (35.660) và Ukraine (20.791 ca). Nga liên tiếp đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.072 người chết trong ngày; tiếp theo là Ấn Độ (442 ca tử vong); và Ukraine (386 ca).
Nhà chức trách Nga và Ukraine đã có nhiều biện pháp thuyết phục người dân tiêm vaccine phòng bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vẫn thấp, được cho là nguyên nhân khiến ca mắc và tử vong mới liên tiếp dẫn đầu thế giới.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 46.310.511 người, trong đó có 756.343 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.189.360 ca nhiễm, bao gồm 454.743 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.729.763 ca bệnh và 605.644 ca tử vong.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 78,67 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 62,95 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 55,65 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,28 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,54 triệu ca và châu Đại Dương trên 294.000 ca nhiễm.
Tại châu Phi, hiện Nam Phi, Marox, Tunisia và Ethiopia đang là những quốc gia có tổng số ca bệnh đứng hàng đầu châu lục. Nam Phi, với hơn 2,919 triệu ca bệnh đang là quốc gia đứng đầu trong khi Maroc, ở Bắc Phi, đứng thứ 2 với 944.076 ca bệnh. Tính theo khu vực, vùng phía Nam châu Phi có nhiều ca bệnh nhất, tiếp đến là vùng phía Bắc và phía Đông, cuối cùng là Trung Phi chịu ít tác động nhất.
Mỹ: Vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi sẽ có vào đầu tháng 11
Trưởng Cố vấn Y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci ngày 24/10 cho biết, các loại vaccine Covid-19 cho trẻ em gần như rất chắc chắn sẽ sẵn sàng vào đầu tháng 11.
"Nếu mọi chuyện suôn sẻ, chúng ta được phê chuẩn và khuyến nghị từ CDC, hoàn toàn có khả năng các loại vaccine sẽ có sẵn cho trẻ từ 5-11 tuổi trong tuần đầu hoặc tuần thứ hai của tháng 11", ông Fauci phát biểu với kênh ABC.
Theo dữ liệu mới, vaccine Covid-19 của Pfizer có hiệu quả gần 91% chống lại bệnh có triệu chứng ở trẻ 5-11 tuổi. Một uỷ ban cố vấn thuộc FDA sẽ họp trong ngày 26/10 để thảo luận về cấp phép vaccine Pfizer cho trẻ em nhóm tuổi này. Hiện tại vaccine Pfizer chỉ được tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên.
CDC Mỹ đã ban hành khuyến nghị tiêm liều tăng cường của vaccine Moderna và J&J cho các nhóm dân số nhất định, mở đường cho hàng triệu người Mỹ được tiêm mũi vaccine nhắc lại. CDC cũng cho phép tiêm mũi bổ sung kết hợp các loại vaccine khác nhau.
Nga: Dịch diễn biến phức tạp tại điểm nóng Moskva
Tại châu Âu, Nga ghi nhận 35.660 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên là hơn 8,24 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 1.072 ca lên mức tổng cộng là 230.600 ca. Trong đó, riêng thủ đô Moskva ghi nhận 5.279 ca mắc mới, nâng tổng số ca tại thành phố này lên là hơn 1,76 triệu ca.
Thành phố lớn thứ 2 tại Nga là St.Peterburg sẽ áp dụng các biện pháp phong tỏa, đóng cửa nhà hàng, quán cafe, cửa hàng làm đẹp, trung tâm thể thao và các cửa hàn không thiết yếu từ ngày 30-10 đến 7-11 để ngăn chặn dịch lây lan. Trong khi đó, Chính phủ nước này cũng yêu cầu những người Nga không có xác nhận tiêm phòng hoặc chứng nhận đã khỏi Covid-19 hay giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR phải làm xét nghiệm nhanh khi nhập viện tại các cơ sở y tế liên bang.
Trung Quốc dự báo tình hình dịch xấu đi trong những ngày tới
Phát biểu họp báo ngày 24-10 tại thủ đô Bắc Kinh, ông Wu Liangyou, quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết các trường hợp mắc Covid-19 mới ở nước này sẽ gia tăng trong những ngày tới và các khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể tiếp tục mở rộng phạm vi, đồng thời khẳng định sự bùng phát các ca lây nhiễm biến thể Delta hiện nay có nguồn gốc từ nước ngoài.
Người phát ngôn của ủy ban trên, ông Mi Feng cho hay đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này đã lan rộng ra 11 tỉnh trong tuần này, tính từ ngày 17-10. Ông cho biết, hầu hết những người bị nhiễm đều có lịch sử đi lại phức tạp, đồng thời kêu gọi các khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch áp dụng "chế độ khẩn cấp".
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Ngân Xuyên, khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc, ngày 23-10-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Một số thành phố ở các tỉnh Cam Túc (Gansu) và Nội Mông (Inner Mongolia) đã tạm dừng dịch vụ xe buýt và taxi do sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Theo quan chức của Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, ông Zhou Min, trong số các thành phố này có Lan Châu (Lanzhou), thủ phủ tỉnh Cam Túc.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Bắc Kinh, bà Pang Xinghuo cho biết dịch bệnh đã lan rộng ra 3 quận ở Bắc Kinh, bao gồm Haidian, một trung tâm công nghệ của thủ đô. Năm trường hợp mắc Covid-19 mới được xác nhận tại địa phương và một trường hợp không có triệu chứng đã được báo cáo từ giữa trưa 23-10 đến 3 giờ chiều ngày 24-10.
Cũng tại buổi họp báo trên, người phát ngôn của Ủy ban Y tế Quốc gia Mi Feng nói rằng Trung Quốc đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 75,6% dân số nước này. Cụ thể, trong số 1,412 tỷ dân Trung Quốc đến nay có khoảng 1,068 tỷ người đã được tiêm chủng với liều lượng cần thiết.
Tuy nhiên, các dữ liệu chỉ ra rằng các kháng thể tạo ra từ vaccine, trong đó có các loại vaccine được sử dụng phổ biến nhất của các hãng dược Sinovac và Sinopharm, sẽ giảm dần trong vòng vài tháng. Hiện Trung Quốc đang tiến hành tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành được tiêm liều cuối cùng cách đây ít nhất 6 tháng, trong đó ưu tiên người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu.
Hàn Quốc: Dịch có xu hướng lắng dịu
Ngày 24-10, số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới ngưỡng 1.500 ca trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại nước này đang từng bước được kiểm soát. Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách dỡ bỏ dần các biện pháp giãn cách xã hội khi đã có hơn 70% người dân nước này được chủng ngừa Covid-19 đầy đủ.
Mặc dù từng ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày kể từ đầu tháng 7, nhưng tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc đang có xu hướng giảm sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao nhất là 3.272 ca trong ngày 25-9.
KDCA cho biết thêm 40 triệu người, tương đương 79,4% dân số, đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên kể từ tháng 2 khi Hàn Quốc bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Trong đó, có 35,9 triệu người, tương đương 70,1% dân số đã được chủng ngừa đầy đủ.
Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đang từng bước loại bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống Covid-19 để trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 11 tới.Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, tương tự như cúm mùa, từ đó, giảm bớt các biện pháp giãn cách xã hội đang được áp dụng hiện nay.
Kế hoạch hướng tới “sống chung với Covid-19” được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch kéo dài, ảnh hưởng tới tình trạng bất ổn tâm lý ở một bộ phận người dân, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại tài chính mà dịch bệnh gây ra đối với các doanh nghiệp.
Australia thúc đẩy tiêm vaccine
Chính phủ Australia đã phát động giai đoạn tiếp theo của chiến dịch thúc đẩy tiêm phòng vaccine trong bối cảnh quốc gia này đang tiếp tục chống chọi với làn sóng dịch thứ 3. Tính đến ngày 23-10, khoảng 86,6% người dân Australia đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trong khi tỷ lệ đã tiêm đầy đủ hai mũi là 73,1%. Ngày 24-10, Australia ghi nhận thêm 2.240 ca lây nhiễm cộng đồng và 15 ca tử vong. Đa số các ca mới ở Victoria, bang đông dân thứ 2 nước này (1.935 ca mắc, 11 ca tử vong). Trong khi đó, Lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) chỉ ghi nhận 9 ca, mức ca mới theo ngày thấp nhất kể từ cuối tháng 9.
Campuchia ghi nhận ca mắc mới thấp kỷ lục
Trong lúc đẩy nhanh hướng tới mở cửa lại hoàn toàn, Campuchia ngày 24-10 tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới thấp nhất kể từ 8-4. Con số ca nhiễm chính thức được báo cáo là 128, nâng tổng ca bệnh lên 117.772 ca.
Ngày 8-10, tức 17 ngày trước, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố Campuchia sẽ có thể mở cửa lại tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế nếu tình hình dịch vẫn ổn định ở mức hiện tại trong ít nhất 10 ngày liên tiếp. Sau đó, Campuchia liên tiếp chứng kiến con số lây nhiễm giảm dần ổn định.
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này cho biết đã cho phép mở cửa trở lại tất cả các trường công và tư trên cả nước bắt đầu từ 1-11 tới với điều kiện các trường học phải tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh trong lớp học.
Bộ trên cho biết thêm các lớp học chỉ tập trung từ 15-20 học sinh để đảm bảo giãn cách, học sinh và giáo viên phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong suốt buổi học, và tiếp tục không cho bán đồ ăn trong trường. Ngoài ra, bộ này cũng không cho phép giáo viên chưa tiêm phòng Covid-19 được giảng dạy trực tiếp, song có thể dạy trực tuyến cho học sinh, đồng thời khuyến khích giáo viên đi tiêm phòng sớm nhất có thể.
Người dân sát khuẩn tay phòng dịch Covid-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 11-10-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Trước đó, từ ngày 15-9, học sinh lớp 9 và lớp 12 tại Campuchia đã bắt đầu quay trở lại trường để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cũng đã yêu cầu các bộ, ngành xem xét mở lại các đường bay với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines để đón du khách và nhà đầu tư tới Campuchia.
Cũng tại cuộc họp trên, Thủ tướng Campuchia khẳng định từ bây giờ, dù có ca mắc Covid-19, nước này cũng sẽ không đóng cửa trường học, chợ, nhà máy...
Lào: "Nóng" thủ đô Viêng Chăn
Bộ Y tế Lào ngày 24-10 cho biết số ca mắc Covid-19 mới tại nước này tiếp tục tăng cao, với 648 ca mắc mới Covid-19 và 2 ca tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua.
Trong số các ca mắc mới có tới 635 ca cộng đồng tại 11 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Đáng chú ý, tỉnh Viêng Chăn có số ca cộng đồng tăng đột biến (184 ca), cao nhất cả nước và vượt qua thủ đô Viêng Chăn (183 ca). Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào đã lên tới 35.633 ca, trong đó có 52 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch đã ban hành; tập trung tiêm vaccine cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch. Bên cạnh đó, hoạt động giao thông tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh có lây nhiễm cộng đồng cũng sẽ tạm ngừng kể từ 22h00 hôm trước đến 5h sáng hôm sau, ngoại trừ xe chở hàng hóa, lương thực, thiết bị y tế, xe chở người bệnh, xe cứu hỏa, cứu hộ, xe chuyên trách, xe cán bộ chức năng và xe được Ủy ban chuyên trách cấp phép.
Bộ Y tế Lào tiếp tục kêu gọi người dân khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh hoặc từng tiếp xúc ca nhiễm cần khẩn trương đi lấy mẫu xét nghiệm tầm soát để tránh rủi ro xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Philippines kêu gọi phi tập trung hoá tiêm chủng Covid-19
Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 24-10 kêu gọi chính phủ phi tập trung hoá chương trình tiêm vaccine Covid-19 của nước này, cho phép các công ty tư nhân tham gia. Cho tới nay, chương trình tiêm chủng Covid-19 của Philippines vẫn chủ yếu do các đơn vị thuộc chính quyền địa phương đảm nhiệm.
Phát biểu trên chương trình phát thanh hàng tuần, bà Robredo cũng yêu cầu chính phủ ưu tiên người cao tuổi, thuyền viên và người lao động Philippines ở nước ngoài với bất kỳ nguồn cung cấp vaccine bổ sung nào vì ba nhóm đối tượng này đã chờ đợi vaccine quá lâu. Hoạt động tiêm chủng tại Philippines đã mở rộng cho công chúng và trẻ vị thành niên mắc bệnh nền".
Thật lãng phí khi chúng ta có nhiều vaccine nhưng lại quá tập trung. Tôi hy vọng việc tự do hoá cho phép các doanh nghiệp có thể lo cho nhân viên của mình", bà Robredo nói bằng.
Cho đến nay, các cơ quan y tế Philippines đã ghi nhận 2,75 triệu ca nhiễm Covid-19 trong cả nước, 60.957 trong số đó vẫn được xếp vào nhóm đang mắc bệnh.
Chính phủ đang đặt mục tiêu cung cấp khoảng 800.000 liều vaccine Covid-19 mỗi ngày vào tháng 11 để đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trước cuối năm nay.
Theo Báo Tin tức