Trong tháng 9, CHDCND Triều Tiên đã 4 lần phóng tên lửa, có cả tên lửa đạn đạo. Trong lúc đó, Mỹ khẳng định “không có ý định thù địch” đối với Triều Tiên và để ngỏ ý tưởng đàm phán giữa hai bên.
Hình ảnh do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên phát cho thấy tên lửa được phóng trong ngày 30-9. Ảnh: Yonhap/KCNA |
Chỉ trong vòng 3 tuần, Triều Tiên tiến hành 4 vụ phóng tên lửa gồm: thử nghiệm một tên lửa hành trình chiến lược (ngày 11 và 12-9), phóng hai tên lửa đạn đạo từ tàu hỏa (ngày 15-9), phóng một loại tên lửa siêu thanh mới phát triển (ngày 28-9) và phóng một loại tên lửa phòng không mới (30-9).
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, tên lửa phòng không mới được phóng hôm 30-9 do Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên phát triển. Vụ phóng nhằm khẳng định tính thực tiễn trong hoạt động của bệ phóng, radar và phương tiện chỉ huy chiến đấu toàn diện cũng như hiệu suất chiến đấu toàn diện của tên lửa mới.
Theo AP, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ thường ngay lập tức công khai xác nhận các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, nhưng cả ba nước đã không làm như vậy trong vụ phóng hôm 30-9. Điều đó cho thấy, tên lửa được thử lần này không đáng kể. Song, phía tình báo của Hàn Quốc và Mỹ vẫn theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên.
Vài ngày trước, Bình Nhưỡng khẳng định các vụ thử vũ khí nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, đồng thời chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc áp đặt “tiêu chuẩn kép” cũng như có “chính sách thù địch” đối với nước này. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ chối đề xuất đối thoại vô điều kiện của Mỹ.
Hãng tin AP cho biết, ngày 29-9, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Washington “không có ý định thù địch” với Triều Tiên và để ngỏ ý tưởng đàm phán giữa hai bên. Người phát ngôn này nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng gặp gỡ phía Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết và hy vọng Bình Nhưỡng phản ứng tích cực với đề xuất của Washington.
Hãng tin AFP cho rằng, chính phủ Mỹ vẫn nhắc lại việc sẵn sàng nối lại đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, nhưng dường như thể hiện không quan tâm quá mức việc đưa Triều Tiên trở lại bàn đối thoại. Bởi vậy, sau vụ phóng tên lửa hôm 30-9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, Triều Tiên gây “bất ổn và mất an ninh”. Ông Blinken cho hay, Mỹ đang đánh giá các vụ phóng, để biết chính xác Triều Tiên đã làm gì, sử dụng công nghệ nào. “Chúng ta thấy sự vi phạm nhiều lần các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà cộng đồng quốc tế cần phải nghiêm túc xem xét”, AFP dẫn lời ông Blinken nói.
Chuyên gia cấp cao Jenny Town của Trung tâm Stimson (một trung tâm nghiên cứu uy tín ở Washington, Mỹ) nhận định: Đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Triều Tiên “vẫn là một vấn đề ưu tiên”. Theo AFP, hồi tháng 4, chính phủ của ông Biden khẳng định sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên và có các bước linh hoạt. Chính sách này khác với các chính phủ tiền nhiệm: ông Donald Trump theo đuổi các cuộc “mặc cả lớn” và ông Barack Obama có hướng tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” trong vấn đề Triều Tiên.
Các bước linh hoạt của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden có thể được hiểu là các biện pháp phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ đi cùng các hành động tương xứng, trong đó có việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt từ phía Washington. Chuyên gia Jacob Stokes tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) cho rằng, chính phủ của Tổng thống Biden có thể vẫn đàm phán nhằm buộc Triều Tiên chấm dứt các vụ thử tên lửa.
Trong lúc đó, Triều Tiên đang có “các bước đi nhỏ” nhằm xoa dịu căng thẳng với Hàn Quốc, chẳng hạn như khôi phục đường dây nóng quân sự liên Triều… Hãng tin AFP dẫn lời nhà phân tích Ken Gause tại Tổ chức nghiên cứu CNA ở ở Arlington (Mỹ) cho rằng, Triều Tiên dường như theo đuổi cách tiếp cận 2 chiều: vừa gây áp lực cho Mỹ, vừa hy vọng Hàn Quốc có thể thúc đẩy ngoại giao. Phía Seoul cũng vừa tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ với Washington để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
PHÚC NGUYÊN