Vì sao Mỹ tháo "rào cản" Dòng chảy phương Bắc?

.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (DCPB2) được Nga và Đức “bật đèn xanh” để ký kết vào năm 2005 nhằm xây dựng và vận hành hai đường ống có tổng chiều dài 1.230km chạy dọc đáy biển Baltic, chuyển khí tự nhiên từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) mà không phải trung chuyển qua Ukraine, với công suất 55 tỷ m3/năm, trị giá dự toán 9,5 tỷ Euro. Tuy nhiên, dự án gặp vô vàn trắc trở, chịu nhiều lệnh cấm vận, từng bị đình trệ hơn 1 năm và mới được nối lại từ tháng 2-2021. Có thể nói, DCPB2 không chỉ là điểm nóng trong quan hệ giữa Mỹ, Ukraine, Ba Lan… với Nga, mà còn nảy sinh nhiều rắc rối trong quan hệ Mỹ - Đức, nội bộ Liên minh châu Âu (EU), nội bộ Mỹ và một số nước thành viên EU khác.

Mỹ lo ngại DCPB2 thành công sẽ tạo cho Nga có “con bài khí đốt” để chi phối an ninh châu Âu, đe dọa đồng minh của Mỹ và làm suy yếu mặt trận trừng phạt đối với Moscow. Còn một lý do là Mỹ sợ mất thị trường cung cấp khí hóa lỏng (LNG) ở châu Âu.

Trong khi đó, nếu DCPB2 thất bại, Ukraine sẽ ẵm trọn 2 tỷ USD/năm phí vận chuyển từ Nga đi châu Âu và được cung cấp khí đốt ổn định với giá ưu đãi. Nhờ lâu nay nắm độc quyền tuyến đường ống chạy qua nước mình, Ukraine có công cụ để “làm mình làm mẩy” với Nga và cả EU, Mỹ.

Ngoài ra, một số nước châu Âu khác phản đối DCPB2 vì những lý do khác nhau, trong đó lo ngại về sự gần gũi giữa Nga với Đức; lo Đức và EU sẽ phụ thuộc Nga về khí đốt, hoặc bị đe dọa an ninh năng lượng, an ninh quân sự  và mất ổn định khu vực…

Tuy nhiên, Nga luôn cho rằng, DCPB2 đơn thuần là dự án kinh tế không hơn, không kém. Châu Âu có nhu cầu cao về nguồn năng lượng xanh, còn Nga có thế mạnh khí đốt và sẵn sàng bán với giá phải chăng (do giảm phí vận chuyển).

Trong khi đó, với Đức, DCPB2 không chỉ bảo đảm nguồn khí đốt ổn định mà còn có lợi ích kinh tế to lớn lâu dài. Do vậy, Đức quyết tâm thực hiện dự án DCPB2 cho bằng được. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dành chuyến xuất ngoại cuối nhiệm kỳ để đến Washington gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận các vấn đề liên quan dự án.

Sau nhiều tuần đàm phán, tháng 7 vừa qua, Thỏa thuận Mỹ - Đức về dự án DCPB2 đã được ký kết, gồm 2 điểm chính: Một là, Mỹ - Đức thống nhất sẽ áp đặt trừng phạt nếu Nga sử dụng khí đốt làm công cụ gây áp lực về chính trị với các đồng minh châu Âu; hai là, yêu cầu Nga ký thỏa thuận duy trì cung cấp khí đốt qua Ukraine. Ngoài ra, Mỹ - Đức sẽ ưu tiên hỗ trợ Ukraine và một số dự án quan trọng ở Trung và Đông Âu.

Có thể nói, 2 điểm mấu chốt trong Thỏa thuận Đức - Mỹ có thể gây những trở ngại nhất định nào đó cho Nga và trên phương diện đối ngoại có tác dụng giữ “thể diện” cho Mỹ. Nhưng điều quan trọng nhất đối với Nga - Đức là DCPB2 đã được chấp nhận trên thực tế.

Thủ tướng Merkel cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về một số vấn đề, trong đó chủ yếu xung quanh DCPB2. Ngày 5-10 vừa qua, Ban quản lý dự án DCPB2 thông báo đã tiến hành các bước thử nghiệm và dòng khí đầu tiên được nạp vào đường ống để sẵn sàng đi vào vận hành khi có giấy phép chính thức.

Có thể nói, qua các đời Tổng thống Mỹ, các lệnh trừng phạt được áp đặt nhằm vào các bên tham gia dự án DCPB2 nhưng không ngăn cản được dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định: Việc tiếp tục bày tỏ sự bất đồng với đường ống đã gần hoàn thành chỉ làm căng thẳng quan hệ của nước này với Đức trong khi lợi ích thu được không đáng kể. Vì thế, giải pháp có thể cứu thể diện của Mỹ và không làm gia tăng căng thẳng với Đức - đồng minh chủ chốt ở châu Âu - là ký thỏa thuận cam kết thành lập một quỹ hàng tỷ USD để bảo đảm an ninh năng lượng cho Ukraine và các sáng kiến năng lượng bền vững trên khắp châu Âu.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.