Quốc tế

Báo Đà Nẵng bình chọn 10 sự kiện thế giới năm 2021

08:26, 30/12/2021 (GMT+7)

Tình hình đại dịch Covid-19, sự ra đời của vắc-xin ngừa Covid-19, căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng năng lượng, thời tiết cực đoan... phủ bóng lên năm 2021. Bức tranh năm 2022 được dự báo sẽ tươi sáng hơn khi thế giới thích ứng an toàn với dịch bệnh, kinh tế bắt đầu phục hồi.

1- Thế giới thay đổi chiến lược chống Covid-19

Các lô vắc-xin ngừa Covid-19 theo chương trình COVAX được đưa đến sân bay quốc tế Kotoka ở thủ đô Accra của Ghana. Ảnh: AFP/Getty Images
Các lô vắc-xin ngừa Covid-19 theo chương trình COVAX được đưa đến sân bay quốc tế Kotoka ở thủ đô Accra của Ghana. Ảnh: AFP/Getty Images

Hàng loạt biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện trong năm 2021 như Delta, Delta plus, Lambda, Mu và Omicron. Các biến thể này đã khiến số ca nhiễm và tử vong gia tăng (với hơn 283,2 triệu ca nhiễm và 5,4 triệu người tử vong, tính đến ngày 29-12), đưa Covid-19 trở thành một trong những đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Với sự ra đời của vắc-xin ngừa Covid-19, hầu hết các nước chuyển hướng từ chiến lược “Zero Covid” (không ca mắc) sang sống chung an toàn với dịch bệnh. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố phải kết thúc đại dịch trong năm 2022. Trong khi đó, theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại đối mặt.

Vắc-xin ngừa Covid-19 có thể được xem là một trong những thành tựu khoa học và y học vĩ đại nhất của thế kỷ 21. Công nghệ vắc-xin mRNA - công nghệ nền tảng để bào chế vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng Moderna và Pfizer/BioNtech - không những giúp ứng phó với đại dịch, mà còn mở ra cơ hội điều trị ung thư, bệnh tim và các bệnh truyền nhiễm khác. Đến nay, nhiều loại vắc-xin ngừa Covid-19 đã ra đời và hơn 9 tỷ liều vắc-xin được sử dụng trên thế giới. Các nước kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba, mũi thứ tư); các hãng dược cũng chạy đua để nâng cấp vắc-xin hiện có của mình để ứng phó với các biến thể mới.

2- Thông qua “Hiệp ước Glasgow” về chống biến đổi khí hậu

Chủ tịch COP26 Alok Sharma (ngồi) cùng đại diện các nước vui mừng khi gần 200 quốc gia đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow”. Ảnh: AP
Chủ tịch COP26 Alok Sharma (ngồi) cùng đại diện các nước vui mừng khi gần 200 quốc gia đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow”. Ảnh: AP

Tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) vào tháng 11, gần 200 quốc gia đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow” nhằm ngăn nhiệt độ bình quân toàn cầu vào cuối thế kỷ này tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu đã được đề ra trong Hiệp định Paris 2015; đồng thời lần đầu tiên đề cập nhiên liệu hóa thạch trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhiều nước đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hơn 40 nước và các tổ chức cam kết dần loại than khỏi sản xuất điện và ngừng hỗ trợ xây nhà máy điện than mới; cam kết tăng mức hỗ trợ tài chính cho nhóm nước nghèo và đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thế giới năm 2021 chứng kiến hàng loạt sự kiện khí hậu khắc nghiệt: lũ lụt thảm khốc ở Đức và Bỉ; nắng nóng khủng khiếp ở Mỹ và Canada; cháy rừng kinh hoàng ở Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Algeria…

3- Kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi

Chính phủ Nhật Bản ngày 18-11 công bố gói kích thích kinh tế cao kỷ lục trị giá 55.700 tỷ yen (488 tỷ USD) nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Một nhà máy sản xuất ô-tô của Nhật Bản. Ảnh: Reuters
Chính phủ Nhật Bản ngày 18-11 công bố gói kích thích kinh tế cao kỷ lục trị giá 55.700 tỷ yen (488 tỷ USD) nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. TRONG ẢNH: Một nhà máy sản xuất ô-tô của Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Kinh tế thế giới trong năm 2021 phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, lấy lại đà tăng trưởng, mặc dù Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của IHS Markit, GDP thực tế của thế giới trong quý 2-2021 vượt mức của quý 4-2019, đánh dấu mốc chuyển từ giai đoạn phục hồi sang tăng trưởng trở lại. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 được dự báo là 5-6%, so với con số âm 4,4% của năm 2020. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng 10,7% trong năm 2021, so với mức giảm 8% của năm 2020.

Đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế thế giới chủ yếu nhờ các đầu tàu như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Với các gói kích thích kinh tế khổng lồ và tốc độ bao phủ vắc-xin nhanh chóng, nền kinh tế Mỹ được ví như “lò xo” bật trở lại mạnh mẽ. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Mỹ có thể tăng trưởng 6% trong năm 2021. Liên minh châu Âu (EU) cũng phục hồi nhanh hơn dự kiến, với mức tăng trưởng 5%. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 sẽ vượt mục tiêu 6%.

 4- Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan

Lực lượng Taliban tuần tra bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 16-8. Ảnh: Reuters
Lực lượng Taliban tuần tra bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan ngày 16-8. Ảnh: Reuters

Ngày 15-8, Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan trong bối cảnh binh sĩ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang rút quân, khép lại cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm. Theo đó, Taliban đã giành lại quyền lực tại Afghanistan sau 20 năm bị lật đổ. Chưa kịp ổn định được tình hình đất nước thì chính phủ Taliban phải xoay xở với các cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo. Taliban tái khẳng định cam kết sẽ không để lãnh thổ Afghanistan bị những phần tử cực đoan dùng làm nơi phát động tấn công các nước khác, nhưng lại loại trừ khả năng hợp tác với Mỹ để cùng tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

5- AUKUS thay đổi cục diện Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tàu ngầm Suffren lớp Barracuda của Pháp trước lúc hạ thủy. Úc dự định mua 12 tàu phiên bản chạy động cơ thường của lớp tàu ngầm này nhưng đã hủy bỏ hợp đồng.Ảnh: AFP
Tàu ngầm Suffren lớp Barracuda của Pháp trước lúc hạ thủy. Úc dự định mua 12 tàu phiên bản chạy động cơ thường của lớp tàu ngầm này nhưng đã hủy bỏ hợp đồng.Ảnh: AFP

Thỏa thuận an ninh giữa Mỹ, Anh và Úc (AUKUS) ra đời vào ngày 15-9 đánh dấu bước đi mới của Mỹ trong chiến lược xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau sự định hình của nhóm Bộ tứ Kim cương (QUAD) gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Ðộ, AUKUS là bước đi tiếp theo nhằm khẳng định những cam kết lâu dài của Washington về duy trì chiến lược “Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà nước này đang theo đuổi.

Pháp bị ảnh hưởng nặng nhất từ AUKUS khi Úc hủy bản hợp đồng trị giá gần 40 tỷ USD (về sau được định giá là 66 tỷ USD) đóng 12 chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel để mua các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Pháp tức giận, chỉ trích AUKUS là cú “đâm sau lưng” mà Washington, London và Canberra dành cho Paris.

6- Căng thẳng Nga - NATO - Ukraine leo thang

Nga triển khai lực lượng ở khu vực biên giới với Ukraine.  Ảnh: Getty Images
Nga triển khai lực lượng ở khu vực biên giới với Ukraine. Ảnh: Getty Images

Căng thẳng Nga - phương Tây liên quan biên giới Ukraine bất ngờ leo thang. Nga khẳng định họ điều quân đến biên giới Ukraine vì mục đích tự vệ, trong khi Mỹ và NATO nghi ngờ Moscow đang chuẩn bị để tấn công Ukraine.

Nga đã công bố dự thảo hiệp ước an ninh gồm 8 đề xuất với Mỹ và NATO, yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những quốc gia tham gia liên minh sau năm 1997, bao gồm phần lớn các quốc gia Đông Âu. Nga cũng yêu cầu NATO ngừng mở rộng về phía đông, nghĩa là không kết nạp Ukraine và không tổ chức các cuộc tập trận tại Ukraine, Đông Âu, các nước Caucasus nếu không có sự đồng ý của Moscow.

Với các động thái giảm căng thẳng, Nga - Mỹ - NATO đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán về an ninh trong tháng 1-2022.

7- Khủng hoảng năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez hồi tháng 3. Ảnh: AFP
Tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez hồi tháng 3. Ảnh: AFP

Tháng 3, tàu container siêu trọng Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez, gây thiệt hại khoảng 400 triệu USD mỗi giờ. Vụ việc khiến hơn 400 tàu thuyền khác bị tắc nghẽn, cắt đứt tuyến lưu thông của khoảng 15% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển toàn cầu.

Khi các nước chuyển sang xu hướng thích ứng an toàn với Covid-19 và mở cửa trở lại, nhu cầu về khí đốt tăng cao khiến giá khí đốt tăng gấp 3 lần. Giá dầu mỏ tăng hơn 50%. Giá than leo thang khoảng 60%, cùng với đó là tình trạng khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khắp thế giới. Nhiều doanh nghiệp và nhà máy đóng cửa do thiếu điện và nguyên liệu sản xuất, dẫn tới khủng hoảng chuỗi cung ứng. Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra một bài toán chưa từng có trong việc vừa giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu, vừa bảo đảm sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.

8- Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi nhiều chính sách của người tiền nhiệm

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP
Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ảnh: AP

Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào ngày 20-1, sau cuộc bầu cử đầy kịch tính. Ngay khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Biden đã thay đổi hàng loạt chính sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm như đưa nước Mỹ trở lại khuôn khổ đa phương, khôi phục tư cách thành viên của Mỹ trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tham gia tích cực quá trình cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trở lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran…

9- Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường

Bà Angela Merkel rời nhiệm sở, nhường lại vị trí Thủ tướng cho ông Olaf Scholz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Ảnh: AP
Bà Angela Merkel rời nhiệm sở, nhường lại vị trí Thủ tướng cho ông Olaf Scholz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Ảnh: AP

Thủ tướng Angela Merkel, người được xem như một tượng đài đã dẫn dắt Đức và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua nhiều sóng gió, rời chính trường hôm 8-12, kết thúc 4 nhiệm kỳ tổng cộng 16 năm trên cương vị đứng đầu chính phủ Đức. Việc bà Merkel rời nhiệm sở được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến nước Đức - nền kinh tế lớn nhất của châu Âu và cục diện của “lục địa già” trong kỷ nguyên “hậu Merkel”, nhưng cũng giúp tái cân bằng quyền lực trong EU.

10- Du lịch vũ trụ bùng nổ

Tỷ phú Jared Isaacman (thứ ba, từ trái qua) cùng 3 nhân vật có những câu chuyện truyền cảm hứng trong buổi diễn tập bay vào vũ trụ. Ảnh: AP
Tỷ phú Jared Isaacman (thứ ba, từ trái qua) cùng 3 nhân vật có những câu chuyện truyền cảm hứng trong buổi diễn tập bay vào vũ trụ. Ảnh: AP

Sự bùng nổ của du lịch vũ trụ đánh dấu một cột mốc mới trong công cuộc chinh phục không gian của nhân loại, đồng thời thể hiện sự phát triển của các công ty tư nhân trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ngày 11-7, tỷ phú người Anh Richard Branson (70 tuổi) lần đầu tiên bay lên rìa vũ trụ cùng 5 người khác. Ngày 20-7, tỷ phú người Mỹ Jeff Bezos tham gia chuyến thám hiểm không gian đầu tiên trên tàu vũ trụ New Shepard do Công ty Blue Origin của ông nghiên cứu và thử nghiệm, đi cùng là một sinh viên 18 tuổi người Hà Lan. Ba tháng sau, Blue Origin thực hiện chuyến bay chở nam diễn viên người Canada William Shatner (90 tuổi) vào vũ trụ.

Tháng 9, Công ty SpaceX lần đầu tiên đưa các phi hành gia nghiệp dư bay lên vũ trụ, gồm tỷ phú người Mỹ Jared Isaacman và 3 người có những câu chuyện truyền cảm hứng. Ông Isaacman mua chuyến bay này nhằm gây quỹ 200 triệu USD cho việc nghiên cứu bệnh ung thư ở trẻ em.

.