Quốc tế

Biến thể Omicron - hệ quả từ sự bất bình đẳng vắc-xin

09:08, 18/12/2021 (GMT+7)

Các chuyên gia y tế cho rằng, tình trạng bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo tạo cơ hội cho những biến thể mới như Omicron xuất hiện.

Người dân chờ đợi để xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Gwangju, cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) 329km về phía tây nam, ngày 17-12. Ảnh: Yonhap
Người dân chờ đợi để xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Gwangju, cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) 329km về phía tây nam, ngày 17-12. Ảnh: Yonhap

Hãng tin AP dẫn thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, có tới 98 quốc gia không thể đạt mục tiêu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra: Tiêm chủng cho 40% dân số thế giới vào cuối năm 2021 và tiêm chủng cho 70% dân số vào giữa năm 2022. Thông tin này được Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đề cập trong thông điệp cuối năm ngày 16-12.

Khi chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2021, hiện còn 40 quốc gia chưa tiêm vắc-xin cho 10% dân số. “Tất cả các nước phải hành động cụ thể hơn trong những ngày tới để đạt được những tiến triển hơn”, ông Guterres nói.

Cũng theo ông Guterres, Covid-19 sẽ không biến mất và chỉ riêng vắc-xin không thể đánh bại được đại dịch, vắc-xin chỉ góp phần ngăn người mắc bệnh nhập viện và tử vong, đồng thời làm chậm sự lây lan của dịch. Vì thế, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi thế giới hợp tác chống lại đại dịch và cho rằng sự bất bình đẳng về vắc-xin đang tạo điều kiện cho các biến thể của SARS-CoV-2 tự do hoạt động, tàn phá sức khỏe của con người, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà khoa học từng cảnh báo việc tiêm vắc-xin theo kiểu “chắp vá” sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 vì virus càng lây lan thì càng có nhiều cơ hội biến đổi. Hiện biến thể Omicron lây lan ra gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ. Mấy ngày trước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) rằng, Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy ở bất kỳ biến chủng nào trước đó.

Ông Tedros lưu ý sự xuất hiện của biến thể Omicron thúc đẩy một số quốc gia triển khai mũi vắc-xin tăng cường cho toàn bộ dân số trưởng thành mặc dù thiếu bằng chứng cho thấy mũi thứ ba có thể chống lại biến thể mới. “WHO lo ngại những chương trình như thế sẽ khiến tình trạng tích trữ vắc-xin trong năm qua lặp lại, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về vắc-xin”, Reuters dẫn lời ông Tedros nhấn mạnh.

Thực tế, WHO không phản đối việc triển khai mũi vắc-xin tăng cường, chỉ lo ngại về tình trạng bất bình đẳng vắc-xin. Ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành Liên minh vắc-xin Gavi ngày 14-12 nói với hãng tin AP rằng, nỗi lo sợ biến thể Omicron khiến các nước giàu bắt đầu giữ lại số vắc-xin đã cam kết tặng cho COVAX, cơ chế phân bổ vắc-xin toàn cầu do Gavi và WHO đứng đầu. Theo AP, khoảng 10 tỷ liều vắc-xin đã được cung cấp trên toàn cầu, đa số các nước giàu có sở hữu nguồn vắc-xin này.

COVAX đã phân phối khoảng 700 triệu liều vắc-xin. Ban đầu, COVAX đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 phân phối 2 tỷ liều vắc-xin nhưng hồi tháng 9 vừa qua đã hạ xuống còn 1,4 tỷ liều. Ở châu Phi, tính đến ngày 13-12, chỉ 8% dân số đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, 20 nước có tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 10% dân số và 6 nước đạt mục tiêu tiêm phòng cho 40% dân số vào cuối năm 2021. Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nhận định: “Trong một thế giới mà châu Phi có đủ vắc-xin và nguồn lực hỗ trợ để đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm 2021 thì chúng ta mới có thể ngăn chặn được hàng chục nghìn người tử vong vì Covid-19 trong năm 2022”.

Hãng tin AP dẫn thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, hiện trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận 1.150 ca tử vong do Covid-19. Tính đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 36 bang/50 bang của Mỹ, chiếm khoảng 3% ca mắc Covid-19 tại nước này.

Ngày 16-12, Tổng thống Joe Biden cảnh báo biến thể Omicron “sẽ bắt đầu lây lan nhanh hơn nhiều tại Mỹ” và thúc giục người dân đi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc tiêm mũi tăng cường.

PHÚC NGUYÊN

.