Quốc tế
Nga, Ấn thúc đẩy quan hệ trong bối cảnh mới
Trong chuyến công tác nước ngoài lần thứ hai kể từ khi Covid-19 bùng phát, Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn đến Ấn Độ vào ngày 6-12 để hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp gỡ trực tiếp tại Vladivostok (Nga) ngày 4-9-2019. Ảnh: EPA-EFE |
Chuyến công du của ông Putin được cho là nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng và năng lượng với một đồng minh truyền thống tại châu Á. Ấn Độ có quan hệ rất gần gũi với Liên bang Xô viết trước đây trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ giữa hai nước đã kéo dài và được thử thách qua nhiều thăng trầm. New Delhi gọi đây là “quan hệ hợp tác chiến lược đặc biệt và ưu tiên” của quốc gia Nam Á này.
“Người bạn tuyệt vời của Ấn Độ”
“Tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Nga đã đứng vững trước thử thách của thời gian”, Thủ tướng Modi từng nói với ông Putin như vậy tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trong tháng 9. “Quý vị luôn là một người bạn tuyệt vời của Ấn Độ”, ông Modi nói tiếp.
Về phía Nga, theo AFP, Tổng thống Putin rõ ràng rất coi trọng mối quan hệ với Ấn Độ khi ông chọn điểm đến là New Delhi trong chuyến công du nước ngoài lần thứ hai kể từ đầu đại dịch Covid-19. “Điều này mang tính biểu tượng rất lớn”, ông Nandan Unnikrishnan thuộc tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation có trụ sở tại New Delhi, nhận định với AFP. “Chuyến công du cho thấy họ không muốn mối quan hệ bị đình trệ hay thụt lùi”, ông Unnikrishnan nhận định.
Dù vậy, giới quan sát cho rằng, ông Putin sẽ đối mặt với thách thức trong việc giải quyết những xung đột phức tạp trong khu vực, trong đó có những căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc (một đồng minh truyền thống khác của Nga) sau các xung đột đổ máu tại vùng tranh chấp trên dãy Himalaya.
Chú trọng năng lượng, quốc phòng
Tuần trước, Điện Kremlin cho biết, cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo sẽ chủ yếu bàn về các vấn đề liên quan tới quốc phòng và năng lượng. Ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga, cũng có mặt trong đoàn tháp tùng Tổng thống Putin tới Ấn Độ lần này, mang theo “một số hợp đồng năng lượng quan trọng” dự kiến được ký kết.
Từ lâu, Nga là đối tác cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ. New Delhi cũng đang chủ trương hiện đại hóa lực lượng vũ trang của họ và một trong những hợp đồng lớn nhất hiện nay giữa hai nước là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 tầm xa. Bản hợp đồng này trị giá hơn 5 tỷ USD, ký kết năm 2018 và việc bàn giao đang được triển khai.
Một điểm đáng chú ý là bất chấp những đe dọa trừng phạt của Mỹ, New Delhi vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng mua S-400 với Nga. Dù Ấn Độ đã chủ trương đa dạng hóa việc nhập khẩu vũ khí nhưng giới phân tích cho rằng New Delhi sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa để hiện thực hóa việc chuyển đổi từ nhà cung cấp vũ khí chính là Nga sang các nước khác như Mỹ, Pháp, Israel…
Tờ Wall Street Journal cho rằng, hai nhà lãnh đạo Nga, Ấn dự kiến ký kết các thỏa thuận quan trọng, trong đó có thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự mở rộng đến năm 2031 và một thỏa thuận sản xuất hơn 500.000 khẩu súng trường tấn công AK-203 do Moscow thiết kế tại Ấn Độ. Tờ báo lớn này của Mỹ dẫn nguồn tin riêng của họ cho biết, trong chương trình nghị sự của ông Putin và ông Modi còn có thỏa thuận về việc sử dụng cơ sở kho vận (logistic) tại các cảng biển cũng như cơ sở quân sự của nhau. Thỏa thuận này tương sự các văn bản mà Ấn Độ đã ký với Mỹ và nhiều nước đồng minh khác của Washington.
Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi khẳng định New Delhi theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập, và điều này cũng được áp dụng trong các kế hoạch mua vũ khí, khí tài phục vụ quốc phòng của họ.
Trong lúc đó, Nga vẫn mong duy trì quan hệ với Ấn Độ như thị trường xuất khẩu quốc phòng lớn; đồng thời muốn mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là lĩnh vực năng lượng, để bù đắp cho những ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây áp lên Moscow.
Hãng tin AFP dẫn thông tin của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tỷ lệ vũ khí Ấn Độ nhập từ Nga đã giảm từ 70% trong giai đoạn 2011-2015 xuống 49% trong giai đoạn 2016-2020 do New Delhi tăng mua thêm vũ khí từ Pháp và Israel. |
TRẦN ĐẮC LUÂN