Quốc tế
Nga lo ngại NATO "đông tiến"
Đối với Nga, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía đông là một trong những mối quan tâm an ninh hàng đầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16-6-2021. Ảnh: THX |
Quan hệ châu Âu - Mỹ và Nga, một phần thể hiện qua quan hệ giữa NATO và Nga, chưa bao giờ ở trạng thái “cơm lành, canh ngọt” hoàn toàn. Mối quan hệ này hiện xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi Điện Kremlin chỉ trích NATO đang dần tập hợp lực lượng ở gần biên giới Nga. Trong khi đó, NATO cáo buộc Nga đang triển khai khoảng 175.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine để chuẩn bị một cuộc tấn công Kiev vào năm tới.
Hãng tin Reuters cho biết, ngày 13-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng, NATO đang đe dọa nước ông bằng việc mở rộng các hoạt động ở Ukraine. Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin tuyên bố Nga và NATO cần đàm phán ngay lập tức nhằm xây dựng các thỏa thuận pháp lý quốc tế rõ ràng để có thể loại trừ mọi kế hoạch mở rộng hoạt động của NATO về phía đông châu Âu, trước hết là ở Ukraine. Ông Putin cũng nhắc với Thủ tướng Johnson về nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận Minsk và làm trầm trọng thêm tình hình ở khu vực xung đột Donbass tại miền đông Ukraine.
Đối với Nga, việc NATO mở rộng về phía đông bằng việc kết nạp các nước từng thuộc Liên Xô (cũ) như Estonia, Latvia, Lithuania vào năm 2004, hay thời gian tới có thể là Ukraine, hay Georgia, là một trong những mối quan tâm an ninh hàng đầu. Sau Chiến tranh Lạnh, NATO ngày một mở rộng và đang ở sát nách nước Nga với thành viên mới nhất là Bắc Macedonia (gia nhập vào tháng 3-2020), nâng tổng số thành viên lên 30.
Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi NATO bảo đảm sao cho các thành viên không triển khai vũ khí đe dọa an ninh Nga tới khu vực dọc biên giới phía tây của nước này, đồng thời hủy quyết định mở cửa cho Ukraine và Georgia gia nhập liên minh quân sự. Tổng thống Putin cảnh báo, bất kỳ sự mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự nào của NATO trên lãnh thổ Ukraine đều là “lằn ranh đỏ” đối với Moscow.
Chưa rõ nguyên nhân lực lượng Nga tập trung gần biên giới Ukraine. Song, Moscow đã bác bỏ thông tin rằng nước này có kế hoạch tấn công Kiev.
Theo phân tích của AP, mối quan hệ giữa Nga và NATO bắt đầu xấu đi từ năm 2002 sau khi Mỹ từ chối một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh cấm phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo. Cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ phát động năm 2003 làm dấy lên những chỉ trích từ Nga, đồng thời khiến mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây thêm căng thẳng. Năm 2004, Nga dĩ nhiên không hài lòng khi các nước thuộc Liên Xô (cũ) gồm Estonia, Latvia và Lithuania gia nhập NATO.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest (Romania) tuyên bố chính thức rằng, một ngày nào đó, Georgia và Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh quân sự này. Ðáp lại, Nga tuyên bố chỉ cần một trong hai nước láng giềng gia nhập NATO đều sẽ vượt qua “giới hạn đỏ”.
Năm 2014, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea được xem là giọt nước làm tràn ly, đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây lao dốc hơn nữa. Quan hệ hợp tác thực tế Nga - NATO bị đình chỉ. Một cuộc xung đột đã bùng phát và kéo dài giữa binh sĩ thuộc chính phủ Ukraine với lực lượng ly khai được cho là do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Những tháng đầu năm 2021, Nga và các nước như Hà Lan, Ý, Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Mỹ liên tiếp trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.
Những vòng xoáy căng thẳng trong quan hệ Nga - phương Tây được coi là “tàn dư” của thời Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, vòng xoáy căng thẳng lại dấy lên cho thấy hai bên đang muốn vạch rõ những “lằn ranh đỏ” đối với đối phương.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và dễ đoán định với Nga. Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin thông qua hình thức trực tuyến mới đây không mang lại sự đột phá nào, khi cả hai bên đều vạch các “lằn ranh đỏ” rất rõ ràng về tình hình Ukraine. Nga coi việc ngăn Ukraine và Georgia gia nhập NATO là lợi ích chiến lược cốt lõi. Còn Mỹ dù chưa muốn “cài đặt lại” quan hệ với Nga, nhưng sẽ tìm kiếm sự hòa hoãn thay vì đối đầu không cần thiết.
PHÚC NGUYÊN