Quốc tế

Tháo "nút thắt" để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

10:18, 09/12/2021 (GMT+7)

Ngày 29-11 vừa qua, chính quyền mới của Iran cùng Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp khởi động vòng đàm phán tại Vienna (Áo) để đánh giá các cách thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với Tehran nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA). Phái đoàn Mỹ tham dự gián tiếp thông qua sự trung gian của EU.

Trưởng đoàn đàm phán Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Ali Bagheri Kani cho biết, vấn đề then chốt là việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, đồng thời khẳng định các hành động này vi phạm thỏa thuận hạt nhân và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như các quy định và luật pháp quốc tế.

Tại cuộc đàm phán, Iran thông báo đã gửi tới các nước châu Âu 2 bản dự thảo đề xuất của Tehran nhằm khôi phục JCPOA. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran, ông Ali Bagheri Kani cho biết, các đề xuất trên liên quan 2 vấn đề gây khúc mắc chính trong thỏa thuận: Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và các cam kết hạt nhân của Iran. Ông Ali Bagheri Kani cho rằng, giờ là lúc các bên còn lại xem xét những tài liệu này và lấy đây làm cơ sở tham khảo chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Iran. Phía Iran cũng luôn nhấn mạnh: Việc Mỹ lưỡng lự dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran là rào cản chính đối với nỗ lực hồi sinh JCPOA.

Ngay sau khi nhận được bản đề xuất, các nhà ngoại giao thuộc nhóm E3 (Anh, Pháp và Đức) đã họp để đánh giá lập trường của Iran và nhấn mạnh trong vài ngày tới sẽ rất quan trọng để quyết định có tiếp tục đàm phán về khôi phục JCPOA hay không. Các nhà ngoại giao thuộc nhóm E3 nêu rõ họ không muốn ấn định “một thời hạn chót giả tạo” và không muốn lãng phí thời gian nếu phía Iran “không thể hiện nghiêm túc trong công việc này”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng các bên có thể nhất trí việc khôi phục JCPOA. Ông cho rằng, những động thái mới nhất của Tehran không mang lại nhiều tín hiệu tốt và thời gian đang ngày càng gấp rút nhưng cũng chưa phải là quá muộn để Iran đảo ngược tình hình.

Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ thông báo các lệnh trừng phạt đối với 15 cá nhân và 4 thực thể tại Iran, Syria và Uganda. Trong số này có lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của Iran cùng Gholamreza Soleimani - người đứng đầu lực lượng dân quân tình nguyện Basij của Tehran.

Ngay lập tức, Iran lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ, các biện pháp trừng phạt mới sẽ không mang lại cho Washington lợi thế, cũng như “hoàn toàn không thể hiện sự nghiêm túc và thiện chí” trong mối quan hệ với Tehran.

Mặt dù có những động thái đó từ phía Mỹ, nhưng trong một thông điệp trên Telegram, ông Ali Bagheri Kani nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường ngoại giao và đàm phán tại Vienna trên cơ sở thương thảo và hiểu biết”, đồng thời khẳng định các đại diện Iran nghiêm túc hướng tới JCPOA tốt đẹp và toàn diện.

Rõ ràng, việc các bên nhất trí đàm phán “tháo gỡ các biện pháp trừng phạt” - “nút thắt” chính trong việc khôi phục JCPOA - là hướng đi tích cực. Vấn đề là Iran đến Vienna với tâm thế khác: Nước Cộng hòa Hồi giáo có Tổng thống mới và đã tiến triển thêm trong chương trình hạt nhân. Vì vậy, Iran đã chủ động đưa ra nhiều đề nghị giải pháp cho Mỹ và đại diện của EU lựa chọn. Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời một quan chức Iran giấu tên cho rằng, một thỏa thuận sẽ nằm trong tầm tay nếu các cường quốc châu Âu thể hiện ý chí chính trị “nghiêm túc” và sự linh hoạt.

TUYẾT MINH

.