Quốc tế
Thế giới có cần liều vắc-xin Covid-19 thứ tư?
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích việc các nước phương Tây đẩy mạnh triển khai các mũi tiêm vắc-xin tăng cường thứ ba, thứ tư sẽ làm kéo dài đại dịch.
Một trung tâm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thành phố Oberhausen của Đức. Ảnh: AP |
Người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc ngày 22-12 cho rằng, nếu các nước phương Tây không tích trữ vắc-xin để phục vụ chương trình tiêm chủng tăng cường thì trong quý đầu năm 2022, thế giới sẽ có đủ số liều vắc-xin ngừa Covid-19 cần thiết để tiêm cho toàn bộ dân số trưởng thành trên toàn cầu, giúp kiểm soát đại dịch như kỳ vọng và ước đoán của WHO.
Đại dịch sẽ kéo dài?
“Các chương trình tiêm tăng cường bao trùm sẽ làm kéo dài đại dịch Covid-19 chứ không giúp kết thúc nó khi tiếp tục chuyển nguồn cung (vắc-xin - PV) tới các nước đã có độ phủ vắc-xin cao, tạo cơ hội cho virus có thể lây lan và đột biến”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu nói, đồng thời nhấn mạnh: “Không nước nào có thể nhờ tiêm tăng cường mà khỏi được đại dịch này”.
Ông Tedros đưa ra những bình luận sau khi giới chức WHO tại khu vực châu Phi hồi đầu tháng này cho rằng, quý 1 năm tới, các nước ở “lục địa đen” cần được nhận gần 1 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 để có thể kiểm soát dịch bệnh.
Trong diễn biến đáng chú ý khác, nhà miễn dịch học phụ trách nhóm kỹ thuật của WHO, bà Maria Van Kerkhove, cho biết tổ chức này đang cân nhắc xếp loại lại các biến thể của SARS-CoV-2, cụ thể là Alpha, Beta và Gamma, vì có vẻ như chúng không còn tồn tại. Tuy nhiên, một lần nữa bà Kerkhove lưu ý chính phủ cũng như người dân các nước nên thận trọng trước các thông tin gần đây, bao gồm cả thông tin từ Nam Phi, nói rằng biến thể Omicron đang lây lan mạnh trên thế giới có thể không nghiêm trọng như các biến thể khác.
Theo bà Maria, hiện vẫn chưa đủ dữ liệu để đưa ra một đánh giá như vậy về Omicron. “Chúng ta vẫn chưa thấy biến thể này lưu hành đủ lâu trong các nhóm dân cư trên toàn thế giới, nhất là trong các nhóm dân cư dễ tổn thương”, bà Maria nói tiếp. Theo chuyên gia này, các dữ liệu về Omicron vẫn còn khá lộn xộn về thời điểm xuất hiện cũng như sự lây lan của nó.
Trong khi đó, cũng theo thống kê của WHO, với tốc độ lây lan chưa từng có tiền lệ, Omicron đã được ghi nhận tại 106 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO Tedros một lần nữa khẳng định các vắc-xin hiện có vẫn có thể bảo vệ mọi người khỏi bệnh nặng hoặc tử vong vì Covid-19. Dĩ nhiên ông nhấn mạnh nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn chặn virus lây lan, nhất là trong mùa Giáng sinh năm nay. “Không nên coi các mũi tiêm tăng cường là “tấm vé” để tham gia các sự kiện lễ lạt đã lên kế hoạch”, ông Tedros nói.
Đầu tuần này, Israel thông báo chuẩn bị triển khai tiêm mũi thứ tư vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân đủ điều kiện trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan và trở thành mối đe dọa mới. Đến nay, Israel luôn là quốc gia đi đầu và “đi nhanh” trong các quyết sách liên quan đến vắc-xin ngừa Covid-19.
Nhiều nước chưa đạt mục tiêu phủ vắc-xin
Không chỉ Israel, nhiều nước phương Tây cũng rục rịch xúc tiến việc tiêm ngừa mũi thứ ba, mũi thứ tư vắc-xin cho các nhóm nguy cơ cao. Thống kê của WHO tới ngày 22-12 cho thấy, ít nhất 126 quốc gia/vùng lãnh thổ đã phát khuyến nghị về tiêm tăng cường và hơn 120 nước bắt đầu triển khai, phần lớn là các nước thu nhập cao và trên trung bình. Chưa một quốc gia thu nhập thấp nào có chương trình đó.
Trước tình hình này, hôm 22-12, WHO phát thông báo tạm thời nêu rõ quan điểm của họ về các mũi tiêm tăng cường. WHO cho biết, khoảng 20% số liều vắc-xin Covid-19 toàn cầu mỗi ngày đang được sử dụng cho mục đích tiêm tăng cường. Song, còn rất nhiều nước chưa thể đạt được mục tiêu phủ vắc-xin cho 40% dân số cho tới cuối năm nay.
Với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng và nhóm công tác về vắc-xin ngừa Covid-19, WHO cho biết vẫn đang tiếp tục đánh giá các chứng cứ mới xuất hiện liên quan tới nhu cầu và thời điểm phải tiêm mũi tăng cường với các loại vắc-xin đang dùng hiện nằm trong danh mục được WHO phê chuẩn sử dụng trong tình huống khẩn cấp.
Cụ thể, căn cứ trên những hiểu biết về hiệu quả của các vắc-xin đó, WHO cho rằng những dữ liệu hiện tại chưa đủ để đánh giá về tác động của biến thể mới Omicron với hiệu quả vắc-xin, đặc biệt là hiệu quả ngăn bệnh nặng. Nói cách khác, các dữ liệu chưa giúp khẳng định việc rốt cuộc Omicron có làm giảm hiệu quả ngăn bệnh nặng của các vắc-xin hiện có hay không. Khi nào có đủ dữ liệu, WHO sẽ cập nhật lại thông cáo này.
WHO thúc giục chính phủ các nước khi đưa ra quyết định chính sách về liều tiêm bổ sung cần dựa trên các cứ liệu cụ thể về lợi ích sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, các trách nhiệm trong việc bảo đảm sự bình đẳng toàn cầu về tiếp cận vắc-xin, theo đó giúp giảm nguy cơ phát sinh các biến thể và kéo dài đại dịch.
"Điều quan trọng cần nhớ là đại đa số những trường hợp nhập viện và tử vong là những người chưa tiêm vắc-xin, chứ không phải những người chưa tiêm tăng cường” Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus |
TRẦN ĐẮC LUÂN
(Theo The Guardian, Reuters và WHO)