Quốc tế

Biến thể Omicron lây lan mạnh ở Mỹ

09:30, 13/01/2022 (GMT+7)

TS. Anthony Fauci - chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ nói rằng, nước này đang tiến gần đến ngưỡng sống chung với Covid-19 trong lúc biến thể Omicron lây lan chưa từng thấy. 

Xét nghiệm Covid-19 ở New York (Mỹ) ngày 11-1. Ảnh: AP
Xét nghiệm Covid-19 ở New York (Mỹ) ngày 11-1. Ảnh: AP

Hãng tin AP dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 11-1 cho biết, tuần qua, biến thể Omicron chiếm 98,3% số ca mắc mới tại nước này, cao hơn tuần trước đó 6%.

“Omicron cuối cùng sẽ lây nhiễm cho tất cả mọi người”

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), TS. Anthony Fauci nói rằng, việc loại bỏ Covid-19 là không thực tế và Mỹ đang tiến gần đến ngưỡng sống chung với đại dịch, coi đây là dịch bệnh có thể kiểm soát được. “Biến thể Omicron - với khả năng lây lan nhanh chóng chưa từng có - cuối cùng sẽ lây nhiễm cho tất cả mọi người”, TS. Fauci nói.

Nhận định của chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ được đưa ra trong lúc số ca nhiễm và nhập viện do Covid-19 ở cường quốc này tăng cao kỷ lục. Ngày 10-1, Mỹ ghi nhận hơn 1,35 triệu ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từng được ghi nhận trên toàn thế giới kể từ khi Covid-19 bùng phát. Số ca nhập viện tại Mỹ cũng ở mức cao, với hơn 150.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện.

Theo TS. Fauci, “không có cách nào tiêu diệt loại virus này” vì tính dễ lây lan, khả năng đột biến thành các biến thể mới và số lượng lớn người chưa tiêm vắc-xin. Những người được tiêm mũi tăng cường vẫn được bảo vệ tốt, tránh tình trạng bệnh nặng, nhưng hiệu quả của vắc-xin giảm đi. Khi tỷ lệ nhiễm Omicron tăng rồi giảm, nước Mỹ hy vọng sẽ bước vào một giai đoạn mới, có đủ mức độ bảo vệ trong cộng đồng, có đủ thuốc điều trị dễ dàng đối với người mắc bệnh và những người thuộc nhóm nguy cơ cao.

“Khi chúng ta đạt đến mức độ đó, sẽ có sự chuyển đổi và chúng ta có thể đang đứng trước ngưỡng đó ngay bây giờ”, ông Fauci nói.

Thống kê của CDC Mỹ cho hay, khoảng 74% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin, 62% tiêm đủ 2 liều cơ bản và 36% đã tiêm mũi tăng cường. Số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ đang ở mức đáng báo động, cao hơn tất cả các quốc gia khác. Theo trang thống kê worldometers, tính đến ngày 12-1, Mỹ có tổng cộng hơn 63,3 triệu ca nhiễm và 863.800 ca tử vong. Với số ca tử vong 1.300 ca/ngày hiện nay, GS. y học phân tử Eric Topol thuộc Viện Nghiên cứu Scripps (Mỹ) cho rằng, thời gian tới, Mỹ có thể chứng kiến tỷ lệ tử vong do nhiễm biến thể Omicron cao nhất trong số các quốc gia phát triển.

Còn sớm để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như cúm

Hiện số ca nhiễm do biến thể Omicron gia tăng toàn cầu. Riêng trong tuần đầu tiên của năm 2022, châu Âu ghi nhận hơn 7 triệu ca mới, tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 tuần. Pháp ngày 11-1 ghi nhận hơn 368.000 ca, đánh dấu số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày. Đức có thêm hơn 80.400 ca nhiễm, vượt mức kỷ lục gần 65.400 ca ghi nhận được giữa tháng 11-2021. Thổ Nhĩ Kỳ có thêm hơn 74.200 ca nhiễm.

Một số nhà khoa học cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ không hoàn toàn biến mất mà trở thành một bệnh đặc hữu, có thể vào cuối năm 2022. Các chuyên gia lý giải, SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tồn tại, nhưng mọi người có đủ miễn dịch từ việc tiêm vắc-xin và quá trình lây nhiễm tự nhiên nên virus sẽ ít có khả năng lây lan hơn. Một số quốc gia cũng cân nhắc việc thay đổi cách theo dõi dịch bệnh, coi đại dịch này như dịch cúm, nghĩa là Covid-19 nên được xem là căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, Reuters ngày 12-1 dẫn lời các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, hiện còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như cúm.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge lo ngại với tốc độ lây lan hiện tại của biến thể Omicron, hơn 50% dân số khu vực châu Âu có thể sẽ nhiễm biến thể mới trong vòng 6-8 tuần tới. Không những thế, WHO còn cho rằng, liều tăng cường có thể không phải là chiến lược tốt chống lại các biến thể mới, các hãng dược cần điều chỉnh và cập nhật vắc-xin ngừa Covid-19 mới nhằm hướng tới ngăn ngừa lây nhiễm.

BÌNH YÊN

.