Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc việc điều khoảng 1.000 - 5.000 binh sĩ tới các nước Đông Âu và Baltic sát biên giới Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Kiev tăng cao. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đưa tàu và máy bay chiến đấu đến Đông Âu.
Liên minh châu Âu (EU) cảm thấy bị “đứng bên lề” khi Mỹ và Nga tìm giải pháp liên quan đến tình hình Ukraine. TRONG ẢNH: Các ngoại trưởng EU nhóm họp ở Brussels (Bỉ) ngày 24-1, tuyên bố sẵn sàng các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” nếu Nga tấn công Ukraine. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, trong cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Trại David ngày 22-1, các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc đã đề xuất một số lựa chọn, trong đó có việc điều động 1.000 - 5.000 binh sĩ đến các nước Đông Âu và Baltic cùng khả năng tăng gấp 10 lần con số đó nếu tình hình xấu đi. Ông Biden có thể đưa ra quyết định sớm nhất trong tuần này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, Nga phải lựa chọn ngoại giao, đối thoại hoặc đối mặt với hậu quả. Ông Blinken bác bỏ khả năng trừng phạt kinh tế Nga và nhấn mạnh điều này có thể làm giảm khả năng của phương Tây trong việc ngăn Moscow tấn công Ukraine. “Mục tiêu của các lệnh trừng phạt để ngăn Nga gây hấn. Nếu sử dụng bây giờ, chúng sẽ mất khả năng răn đe”, ông Blinken nói với hãng tin CNN.
Hãng tin AP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ bắt đầu đưa những nhân viên không quan trọng của Đại sứ quán ở Ukraine và gia đình của họ rời nước này do “mối đe dọa tiếp diễn về hành động quân sự của Nga”. “Công dân Mỹ ở Ukraine nên cân nhắc rời đi lúc này bằng các phương tiện vận chuyển tư nhân hoặc thương mại”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ viết. Song, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev vẫn tiếp tục hoạt động và Đại sứ Mỹ ở Ukraine Kristina Kvien ở lại quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này.
Bà Kvien từ chối nêu số lượng công dân Mỹ đang có mặt ở Ukraine, nhưng đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 12-2021 tiết lộ con số từ 10.000 - 15.000 người.
Mỹ cũng khuyến cáo công dân không nên đến Nga, nhất là các khu vực ở biên giới Ukraine, đồng thời cảnh báo người dân Mỹ có thể đối mặt với tình trạng bất ổn và Washington sẽ bị hạn chế về khả năng để hỗ trợ họ.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24-1 cho biết, liên minh gồm 30 thành viên đang đặt các lực lượng trong tình trạng trực chiến và tiếp tục củng cố lực lượng ở Đông Âu; điều động thêm tàu, máy bay chiến đấu đến khu vực này. “NATO sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ và ủng hộ các nước đồng minh”, ông Stoltenberg nói.
Theo AP, trong chiến dịch lần này của NATO, Đan Mạch gửi một tàu khu trục nhỏ và triển khai máy bay F-16 đến Lithuania; Tây Ban Nha sẽ gửi tàu chiến và có thể điều máy bay chiến đấu đến Bulgaria; Pháp tuyên bố sẵn sàng đưa quân đến Romania…
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang sau khi Mỹ cùng các đồng minh cáo buộc Moscow điều khoảng 100.000 quân tới sát biên giới Ukraine. Nga bác bỏ đồn đoán rằng nước này sắp tấn công Ukraine.
Nếu người đứng đầu Nhà Trắng chọn phương án gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ, đây có thể được xem là bước chuyển hướng về cách tiếp cận trong chính sách đối với Nga. Washington vốn giữ lập trường kiềm chế trong các hoạt động quân sự liên quan đến Ukraine. Một số nhà lập pháp Mỹ cho rằng, việc triển khai lực lượng gần lãnh thổ Nga không giúp ích nhiều cho việc giải quyết căng thẳng hiện nay. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) Stanislav Zas cũng nhận định: Hoạt động quân sự của NATO gần biên giới của CSTO ở Đông Âu không góp phần tăng cường an ninh trong khu vực mà là tạo nguy cơ.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, Mỹ vừa gửi lô vũ khí thứ hai tới Kiev nhằm tăng cường khả năng phòng vệ cho nước này và đây không phải lô hàng cuối cùng. Hai lô vũ khí này là một phần trong thỏa thuận viện trợ an ninh cho Ukraine trị giá 200 triệu USD được Mỹ phê duyệt vào tháng 12-2021. |
PHÚC NGUYÊN