Covid-19 tới 6 giờ ngày 14-1: Thế giới vài triệu ca mắc mới/ngày; Mỹ triển khai quân y hỗ trợ các bang chống dịch

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 2.888.254 trường hợp mắc Covid-19 và 6.684 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt 320 triệu ca, trong đó trên 5,53 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Haifa, Israel. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14-1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 320.391.977 ca, trong đó có 5.537.882 người tử vong.

Tiến trình mở cửa trở lại tại nhiều nước đang đối mặt với thách thức mới, đi kèm nguy cơ dịch leo thang nghiêm trọng với sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron. Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch Covid-19 đảo chiều, số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại ở nhiều nơi.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong tiếp tục gây lo ngại và bất thường, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Âu khi dịch bệnh tái bùng phát, số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước thuộc châu lục này. Đây chính là tâm dịch hiện nay của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 800.000 ca), Anh và Pháp cũng lần đầu tiên kể từ đầu dịch tới nay chứng kiến trên 200.000 ca/ngày, trong khi Mỹ cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 2.000 ca.

 Hành khách chờ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Incheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 8-1-2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Hành khách chờ xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Incheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ngày 8-1-2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Nhà Trắng ngày 13-1 cho biết đã huy động thêm 1.000 bác sĩ quân y tới để trợ giúp 6 bệnh viện đang quá tải ở Mỹ do số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao.

Các nhóm từ 7-25 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế sẽ bắt đầu đến các bang Michigan, New Jersey, New Mexico, New York, Ohio và Rhode Island vào tuần tới để hỗ trợ các phòng cấp cứu và cho phép nhân viên của bệnh viện tiếp tục điều trị các bệnh nhân khác. Giám đốc Cơ quan khẩn cấp liên bang (FEMAA) Deanne Criswell cho biết: “Đề nghị số 1 vẫn là bổ sung nhân viên y tế”. Theo ông, các bang khác sẽ có thể cần tăng cường quân đội và các bác sĩ và y tá liên bang để hỗ trợ chống dịch Covid-19, cũng như điều trị các bệnh khác.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã triển khai các đội hỗ trợ liên bang từ tháng 7-2020 để chống biến thể Delta. Tháng 12, ông Biden đã chỉ thị bổ sung 1.000 nhóm y tế và cử hơn 100 nhân viên y tế liên bang đến các bang Arizona, Indiana, Michigan, New Hampshire, Vermont và Wisconsin.

 

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 257.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 37 triệu ca và trên 92.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7-1, thế giới có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 86 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động chào mừng Năm mới 2022, do lo ngại việc tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Với tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “trận sóng thần” Covid-19 mới.

 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Naha, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Naha, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo ghi nhận 3.124 ca mắc mới trong ngày 13-1, vượt ngưỡng 3.000 ca/ngày lần đầu tiên trong hơn 4 tháng. Thủ đô Tokyo đã nâng cảnh báo lên mức cao thứ hai từ trên xuống trong thang gồm 4 bậc. Đây là lần đầu tiên từ tháng 9-2020, cảnh báo ở cấp này được đưa ra.

Chính quyền thủ đô Tokyo dự báo với đà tăng như hiện nay thì vào tuần tới, số ca mắc Covid-19 trung bình trong 7 ngày tới sẽ lên tới 9.576 ca/ngày. Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 6, do sự lây lan của biến thể Omicron. Cả nước đã ghi nhận 13.244 ca nhiễm trong ngày 12-1, mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Tại Ấn Độ, các chuyên gia dự báo số ca nhiễm mới ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và Mumbai, có thể đạt đỉnh vào tuần tới. Ngày 13-1, Ấn Độ đã ghi nhận 274.417 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất kể từ tháng 5-2020. Nếu so với cách đây 1 tháng, con số này cao gấp 30 lần. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ hiện là hơn 36,32 triệu ca, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ấn Độ mới  tiêm phòng các mũi vắc-xin cơ bản cho gần 70% trong số 939 triệu người dân từ độ tuổi trưởng thành trở lên. Tỷ lệ người chưa tiêm phòng khiến nhà chức trách lo ngại, nhất là khi 5 bang sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 10-2 tới.

 Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viện tại thành phố Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 vào bệnh viện tại thành phố Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Australia ghi nhận số ca mắc mới tăng cao nhất từ trước đến nay trong làn sóng mới do biến thể Omicron gây ra. Nước này đã ghi nhận tới hơn 147.000 ca mắc mới, trong đó riêng bang đông dân nhất là New South Wales (NSW) có tới 92.264 ca. Dù tỷ lệ bệnh nhân phải nhập viện và chăm sóc tích cực đang ở mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, song nhà chức trách Australia khẳng định hệ thống y tế nước này vẫn có thể đáp ứng tốt.

Tổng số ca mắc Covid-19 kể từ khi đại dịch bùng phát tại Australia hiện ở mức gần 1,4 triệu ca, trong đó có tới gần 1 triệu ca ghi nhận chỉ trong hai tuần qua - khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế và người dân thích nghi sống chung với virus SARS-CoV-2. Đến nay, hơn 92% dân số trên 16 tuổi ở Australia đã tiêm đủ hai liều cơ bản vắc-xin ngừa Covid-19.

"Xứ sở chuột túi" vẫn đang tiếp tục triển khai tiêm mũi vắc-xin tăng cường cho người dân. Thủ tướng Scott Morrison ngày 13-1 thông báo mở rộng danh sách các ngành nghề mà người lao động được miễn trừ các yêu cầu về cách ly trong trường hợp được xác định là tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.

 Người dân di chuyển trên phố ở Ljubljana, Slovenia ngày 14-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân di chuyển trên phố ở Ljubljana, Slovenia ngày 14-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, nhiều quốc gia thông báo giảm thời gian cách ly phòng dịch. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết thời gian tự cách ly tối thiểu đối với người mắc Covid-19 ở vùng England sẽ giảm từ 7 ngày xuống 5 ngày nếu có hai lần xét nghiệm âm tính. Động thái này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu nhân sự cho các doanh nghiệp và quản lý cơ sở hạ tầng.

Ireland cũng thông báo một loạt thay đổi đối với các quy định hiện hành liên quan đến việc cách ly và xét nghiệm cho các ca mắc cũng như những trường hợp tiếp xúc gần. Theo đó, thời gian tự cách ly đối với người bệnh sẽ được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày. Các trường hợp từng tiếp xúc gần các mắc, nếu đã được tiêm mũi vắc-xin tăng cường và không có triệu chứng của bệnh, sẽ không phải tự cách ly trong 5 ngày. Đối với những người chưa tiêm vắc-xin tăng cường, nếu tiếp xúc gần các ca mắc sẽ phải tự cách ly trong 7 ngày.

Thụy Sĩ sẽ giảm một nửa thời gian cách ly phòng dịch xuống còn 5 ngày nhằm giảm bớt tác động kinh tế tiềm tàng do làn sóng dịch bệnh gây ra. Quyết định này của chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của giới chức y tế cho dù Thụy Sĩ ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới mỗi ngày bởi biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh. Các quan chức lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm hiện nay có thể "nhấn chìm" hệ thống y tế tại Thụy Sĩ - nơi mới có khoảng 67% dân số đã tiêm đủ các mũi vắc-xin cơ bản ngừa Covid-19 và chỉ khoảng 30% được tiêm mũi tăng cường.

 Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới điều trị tại bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới điều trị tại bệnh viện ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ quyết định nới lỏng thêm quy định cách ly và xét nghiệm. Theo đó, bãi bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR vì mục đích giám sát cũng như bãi bỏ yêu cầu này đối với những người tiếp xúc gần các ca mắc.

Việc xét nghiệm sẽ được tiến hành đối với các trường hợp xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh. Các trường hợp tiếp xúc gần nếu đã được tiêm phòng đầy đủ các mũi cơ bản cũng sẽ không phải cách ly. Ngoài ra, những người mắc bệnh sẽ không cần làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ 7 khi hết thời gian cách ly.

Đan Mạch cũng đã đề xuất nới lỏng các hạn chế phòng dịch vào cuối tuần, trong đó có việc mở trở lại các rạp chiếu phim, các địa điểm ca nhạc. Đề xuất này được đưa ra khi tỷ lệ nhập viện giảm cho dù số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. Chính phủ Đan Mạch cũng đã đề xuất tiêm mũi thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ tổn thương cao, đặc biệt là những người được chẩn đoán mắc bệnh nghiêm trọng đã được tiêm mũi tăng cường đầu tiên vào mùa Thu vừa qua. Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke nhấn mạnh động thái này của chính phủ đánh dấu "một chương mới" trong cuộc chiến chống Covid-19.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 10-1-2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 10-1-2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục đưa ra cảnh báo mới về Omicron đặc biệt nguy hiểm với người chưa tiêm vắc-xin phòng. WHO khẳng định làn sóng lây nhiễm gia tăng hiện nay là do Omicron dần thay thế Delta trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước. Theo WHO, tính đến ngày 6-1, Omicron đã xuất hiện tại 149 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh toàn thế giới không nên chủ quan trước biến thể này, đồng thời bác bỏ những quan điểm cho rằng Omicron có thể là nhân tố tích cực chấm dứt đại dịch. Theo ông Tedros, không nên để biến thể này lây lan tự do, đặc biệt khi vẫn còn nhiều người trên thế giới chưa tiêm chủng.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13-1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 54.981 ca mắc mới Covid-19 và 315 ca tử vong. Tổng số ca bệnh ở khu vực này tới nay vượt 15.491.257 trường hợp và 309.388 ca tử vong.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Karachi, Pakistan, ngày 11-1-2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại Karachi, Pakistan, ngày 11-1-2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Ngày 13-1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt và cao chưa từng thấy, dẫn đầu toàn khối với trên 34.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 16.000 ca mắc mới và 206 ca tử vong.

 Người dân chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 10-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân chờ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 10-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 13-1 ghi nhận thêm trên 8.100 ca bệnh mới và 14 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 34 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 120.000, số ca mắc mới trên 600 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 7 người.

Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9-10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca Covid-19 mới.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.