Số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục ở châu Âu

.

Cùng với sự hoành hành của biến thể đáng lo ngại Omicron, các nước Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan vừa ghi nhận số ca mắc Covid-19 theo ngày ở mức cao nhất.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở thủ đô Berlin của Đức ngày 5-1. Ảnh: AP
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở thủ đô Berlin của Đức ngày 5-1. Ảnh: AP

Châu Âu đã ghi nhận hơn 100 triệu ca mắc Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch và hơn 5 triệu ca nhiễm mới vào tuần cuối cùng của năm 2021. Chính quyền nhiều nước châu Âu lo ngại Omicron sẽ gây ảnh hưởng lớn tới đời sống cộng đồng trong những tuần tới đây. Biến thể này một lần nữa khiến số ca bệnh tăng vọt tại lục địa già và nhiều biện pháp đang được đồng loạt triển khai. Một số nước áp dụng các biện pháp khắt khe hơn đối với những người chưa tiêm vắc-xin; đồng thời thúc đẩy các chương trình tiêm ngừa cho trẻ em, nhất là các em nhỏ.

Thêm nhiều kỷ lục mới

Hãng tin AFP cho biết, ngày 5-1, Pháp ghi nhận hơn 332.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 246 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 ở Pháp vượt mốc 300.000, phá vỡ kỷ lục trước đó là 271.686 ca hôm 4-1.

Trước làn sóng dịch nghiêm trọng được cho là do biến thể Omicron, ngày 6-1, Hạ viện Pháp thông qua kế hoạch áp dụng thẻ vắc-xin do Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất nhằm thúc đẩy những người chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đi tiêm chủng. Theo đó, người dân cần phải có thẻ vắc-xin để có thể sử dụng các dịch vụ cơ bản như đi tàu liên tỉnh/thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống... Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật này có thể được thực thi từ ngày 15-1. Thủ tướng Pháp Jean Castex khẳng định sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm mũi 4 nếu có đề nghị của giới chức y tế quốc gia châu Âu này.

Tại Ý, với việc ghi nhận thêm 189.100 ca nhiễm ngày 5-1, chính phủ đã thông qua sắc lệnh mới về việc tiêm chủng bắt buộc đối với tất cả người dân trên 50 tuổi. Từ ngày 15-2, người trên 50 tuổi và đi làm phải xuất trình “thẻ xanh” - chứng nhận đã tiêm vắc-xin hoặc khỏi bệnh, trừ một số trường hợp được bác sĩ xác nhận. Dù biến thể Omicron đã lây lan đến hầu hết các vùng của nước Ý nhưng các trường học sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 10-1.

Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan ngày 5-1 ghi nhận hơn gần 25.000 ca nhiễm, vượt mức kỷ lục trước đó là 23.700 ca ngày 24-11-2021. Viện này cho rằng, biến thể Omicron đang chiếm đa số các ca nhiễm mới. Chính phủ Hà Lan cho phép các trường tiểu học và trung học mở cửa trở lại theo đúng kế hoạch sau kỳ nghỉ Giáng sinh vào ngày 10-1. Các biện pháp phòng dịch khác dự kiến được đưa ra vào ngày kết thúc lệnh phong tỏa (ngày 14-1).

Hãng tin Reuters cho hay, Hà Lan đã tiêm vắc-xin cho hơn 85% số người. Song, tính đến ngày 5-1, chỉ 32% số người trưởng thành đã được tiêm mũi vắc-xin tăng cường.

Không ai biết trước tác hại của biến thể tiếp theo

Tại Bồ Đào Nha, giới chức y tế ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm trong ngày 5-1 với hơn 39.500 ca. Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa nói rằng, nước này đã tăng cường năng lực xét nghiệm gấp 5 lần so với một năm trước và đây là một phần nguyên nhân xác định thêm nhiều ca nhiễm. Hiện 88% dân số Bồ Đào Nha đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cơ bản, hơn 3 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.

Anh đối mặt với nguy cơ khủng hoảng y tế do tình trạng thiếu nhân viên chăm sóc khi ca mắc biến thể Omicron tăng mạnh. Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết hành động khẩn trương để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế ở những vùng dịch nóng nhất, trong đó có thêm nguồn lực hỗ trợ từ quân đội.
Mấy ngày trước, quan chức cấp cao của WHO, bà Catherine Smallwood, cho rằng biến thể Omicron càng lan rộng thì càng có nhiều khả năng sẽ tạo ra một biến thể mới, Omicron có thể không nguy hiểm như Delta nhưng không ai biết trước tác hại của biến thể tiếp theo.

Omicron thách thức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Biến thể mới Omicron rõ ràng là thách thức không nhỏ trong kế hoạch tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-1-2022. Ông Macron hy vọng việc đảm nhiệm vai trò này sẽ giúp tăng thêm cơ hội tái đắc cử cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, biến thể Omicron đang làm mọi việc phức tạp hơn. Làn sóng ca bệnh mới trên toàn châu Âu trong những tuần gần đây khiến các kế hoạch hành động nhằm biến năm 2022 thành “năm bước ngoặt” của châu Âu như tuyên bố của ông Macron mới đây đối mặt nhiều thách thức.

THIÊN BÌNH - ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.