Tăng chi cho quốc phòng

.

Mặc dù kinh tế bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng chi tiêu quốc phòng cho năm 2021 và năm 2022 của nhiều nước, nhất là các nền kinh tế lớn, đều tăng đáng kể.

Đứng đầu chi tiêu quốc phòng là Mỹ. Ngày 27-12-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2022, phê duyệt khoản ngân sách lên tới 770 tỷ USD.

Trước đó, hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật trên. Văn kiện này được cho là có vai trò định hướng chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ trong năm 2022.

NDAA của Mỹ năm 2022 tăng hơn 5% so với năm trước, trong đó có các khoản chi cho việc tăng 2,7% lương cho quân nhân, mua sắm thêm máy bay và tàu chiến bên cạnh việc xây dựng các chiến lược đối phó với những nguy cơ địa chính trị từ bên ngoài. Ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2022 cũng bao gồm 300 triệu USD cho Sáng kiến Hỗ trợ an ninh Ukraine, 4 tỷ USD cho Sáng kiến Phòng thủ châu Âu và 150 triệu USD cho Hợp tác An ninh Baltic. Mỹ còn dự kiến chi 7,1 tỷ USD cho sáng kiến liên quan tới an ninh khu vực Thái Bình Dương.

Trong khi đó, với mức tăng 6,8%, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đạt 1.360 tỷ nhân dân tệ (khoảng 210 tỷ USD) trong năm 2021, cao thứ hai thế giới. Trung Quốc những năm qua đầu tư hàng trăm tỷ USD hiện đại hóa quân đội nhằm đạt mục tiêu xây dựng lực lượng “hiện đại hóa hoàn toàn” vào năm 2027 và “quân đội đẳng cấp thế giới” có năng lực sánh ngang với Mỹ vào năm 2050.

Tuy nhiên, tạp chí USNI News (Mỹ) số ra gần đây cho hay, trong 26 năm qua, tỷ trọng chi tiêu quốc phòng ở Trung Quốc không thay đổi ở mức 1,7% GDP. Năm 2021, ngân sách quốc phòng chính thức hằng năm của Bắc Kinh là 252 tỷ USD. Theo các chuyên gia, mặc dù chi tiêu quân sự được biết đến của Trung Quốc vẫn nhất quán theo tỷ lệ phần trăm GDP trong nhiều thập niên qua, nhưng điều này chỉ cung cấp một thước đo sơ bộ về những gì Bắc Kinh thực sự cam kết cho một loạt khoản chi tiêu được che giấu hoặc đã được phân loại. Vì thế, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc cũng sẽ tăng đáng kể trong năm tài khóa 2022, khi hàng loạt dự án quân sự được hoạch định như đóng tàu sân bay, tàu chiến, xây dựng căn cứ quân sự và các loại vũ khí hiện đại khác…

Còn chính phủ Nhật Bản ngày 25-12-2021 thông qua ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục 47 tỷ USD cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1-4-2022, đánh dấu mức tăng 1,1% so với năm trước và đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp quốc gia Đông Bắc Á này tăng chi tiêu quốc phòng.

Một điểm mới đáng chú ý nữa là việc tham gia cơ chế an ninh mới bao gồm 3 thành viên Úc, Anh và Mỹ (AUKUS) sẽ khiến Canberra tăng ngân sách quốc phòng. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton, tham gia AUKUS, nước này sẽ nâng mức chi tiêu quốc phòng lên đến 50 tỷ AUD/năm, tương đương 2,5% GDP. Đây là mức ngân sách kỷ lục mà Úc dành cho quốc phòng khi mức chi trước đó chỉ đạt khoảng 2,2% GDP, thậm chí có giai đoạn trước chỉ ở mức 1,6% GDP.

Nhìn về châu Âu, chi tiêu quốc phòng cũng ở mức khá cao. Ngân sách cho quốc phòng năm 2021 của Đức tăng 3,2% so với năm 2020, ở mức 51,39 tỷ euro. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng mạnh tay chi tiêu quốc phòng từ 1.000 tỷ USD trong năm 2020 lên tới 1.028 tỷ USD trong năm 2021.

Ngoài ra, các nước ở khu vực Trung Đông như Israel, Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập…, mức chi tiêu quốc phòng hằng năm đều tăng đáng kể.

Có thể nói, tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được xem là nhu cầu của các nước trong việc tăng cường tiềm lực quân sự, bảo đảm chủ quyền quốc gia. Thậm chí, đối với một số nước sử dụng sức mạnh từ vũ khí, năng lực hạt nhân còn là quân bài để phô trương sức mạnh và để “mặc cả” với nhau trên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, điều gây cho cộng đồng quốc tế mối lo ngại là nhiều quốc gia đang âm thầm thực hiện quá trình quân sự hóa, khiến nguy cơ đối đầu vũ trang trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.