Thế giới cần ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân

.

“Không thể có quốc gia nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra”, 5 cường quốc hạt nhân, đồng thời là 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định.

5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp cam kết tránh chiến tranh hạt nhân. Ảnh: UPI
5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp cam kết tránh chiến tranh hạt nhân. Ảnh: UPI

Hãng tin Reuters cho biết, tuyên bố hiếm hoi của 5 cường quốc hạt nhân bao gồm Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp (nhóm P5) được đưa ra ngày 3-1, trước thềm hội nghị của Liên Hợp Quốc nhằm rà soát Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Hội nghị này dự kiến diễn ra từ ngày 4 đến 28-1 tại New York (Mỹ) nhưng bị hoãn do làn sóng biến thể Omicron đang làm số ca nhiễm tăng cao.

“Cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ nên xảy ra”

Tuyên bố được viết bằng tiếng Anh nêu rõ: “Chúng tôi khẳng định rằng, không nước nào giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không bao giờ nên xảy ra”. “Việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định vũ khí hạt nhân - chừng nào chúng còn tồn tại - phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và ngăn chặn chiến tranh. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi hơn nữa của những loại vũ khí này”, tuyên bố cho hay.

Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc cho rằng, tuyên bố chung của nhóm P5 có thể giúp gia tăng sự tin cậy lẫn nhau và “thay thế sự cạnh tranh giữa các cường quốc bằng sự hợp tác”. 

Pháp cũng công bố tuyên bố chung nói chung, đồng thời nhấn mạnh 5 cường quốc đã nhắc lại quyết tâm kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng tuyên bố này sẽ giúp xoa dịu căng thẳng trong bối cảnh tình hình an ninh có nhiều biến động.

NPT được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1968 và có hiệu lực từ ngày 5-3-1970, nhằm ngăn ngừa việc phổ biến rộng rãi loại vũ khí giết người hàng loạt, xoa dịu căng thẳng quốc tế, tăng cường lòng tin giữa các quốc gia, hướng đến việc chấm dứt sản xuất vũ khí hạt nhân, loại trừ vũ khí hạt nhân ra khỏi kho vũ khí quốc gia… Đến nay, 190 quốc gia đã ký kết NPT.

Trung Quốc kêu gọi Nga và Mỹ giảm vũ khí hạt nhân

Về phía Trung Quốc, chương trình vũ khí hạt nhân của nước này bắt đầu trước khi NPT được ký kết năm 1968. Tháng 11-2021, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo cho biết, Trung Quốc có thể có 700 đầu đạn hạt nhân có thể chuyển giao vào năm 2027 và có thể đạt 1.000 đầu đạn vào năm 2030, tức quy mô lớn gấp 2,5 lần so với dự đoán của Lầu Năm Góc 1 năm trước đó. Washington nhiều lần thúc giục Trung Quốc tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí mới với Mỹ và Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định kho vũ khí của Mỹ và Nga lớn gấp nhiều lần quốc gia châu Á này.

Theo CBS News, phát biểu với báo giới ngày 4-1, Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Fu Cong bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang gia tăng năng lực hạt nhân, đồng thời khẳng định Bắc Kinh “luôn áp dụng chính sách không sử dụng hạt nhân phủ đầu và duy trì năng lực ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia”. “Vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe tối thượng, chúng không dùng cho chiến tranh hay xung đột”, ông Fu Cong nói. Vị quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kêu gọi Nga và Mỹ phải giảm kho vũ khí hạt nhân của mình “theo cách không thể đảo ngược và ràng buộc về mặt pháp lý”.

Quan hệ giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân căng thẳng cũng được cho là có nhiều nguy cơ kích hoạt chiến tranh hạt nhân. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres từng nói rằng, cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ hạt nhân là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Trên thế giới có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, trong đó Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp là các nước bảo lưu quyền có vũ khí hạt nhân đã được quy định trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), Nga và Mỹ sở hữu tổng cộng khoảng 90% tổng số đầu đạn hạt nhân thế giới. Tiếp đến lần lượt là Trung Quốc, Pháp, Vương quốc Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.