Các chuyên gia y tế thế giới cho rằng, năm 2022, SARS-CoV-2 khó biến mất nhưng đại dịch Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu có thể kiểm soát.
Xét nghiệm Covid-19 tại thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc ngày 2-1. Ảnh: AP |
Những dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chuyên gia cho thấy bức tranh tươi sáng hơn về đại dịch trong năm 2022, khi số ca nhiễm đã lên đến hơn 290,7 triệu ca và 5,4 triệu ca tử vong. Đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ ba với sự lây lan mạnh của biến thể siêu đột biến Omicron, nhất là ở Mỹ và châu Âu.
Hãng tin AP dẫn lời TS. Mike Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói rằng khả năng SARS-CoV-2 biến mất hoàn toàn là khó xảy ra nhưng có thể lắng xuống thành loại virus có mức độ lây truyền thấp, thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát ở những quần thể chưa được tiêm chủng.
Cũng theo AP, TS. Albert Ko - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế công cộng Yale (Mỹ) nhận định: “Chắc chắn Covid-19 sẽ tồn tại bên chúng ta mãi. Chúng ta không bao giờ có thể loại bỏ được Covid và chúng ta phải xác định những mục tiêu của mình”. Tại Mỹ, số ca nhiễm mới đang gia tăng theo đường “gần như thẳng đứng” do sự lây lan của biến thể Omicron. TS. Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ - cho rằng tốc độ lây nhiễm hiện nay là chưa từng có. Mỹ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 56,1 triệu người nhiễm và 847.000 người tử vong.
Tại châu Âu, tổng số ca nhiễm vượt mốc 100 triệu ca, đánh dấu một lần nữa “lục địa già” trở thành tâm dịch. Song, số ca tử vong giảm với trung bình 3.400 ca qua đời do Covid-19 trong tuần qua. Nguyên nhân được cho là do châu Âu đã phủ vắc-xin cho 65% dân số, theo trang Our World in Data.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thế giới hiện có tất cả công cụ cũng như nguồn lực để chấm dứt đại dịch và “bức tường miễn dịch” chính là vắc-xin. Năm 2021, khoảng 60% dân số thế giới đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. WHO hy vọng mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số sẽ đạt được vào tháng 6-2022.
Đối với quan điểm Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu, các chuyên gia lý giải, virus sẽ tiếp tục lưu hành trong các bộ phận dân số toàn cầu nhiều năm nhưng mức độ phổ biến và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát. Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Stephen Kissler của Trường Y tế công cộng Harvard T.H. Chan nói rằng, thế giới sẽ tiến đến thời điểm xem SARS-CoV-2 là bệnh theo mùa như cúm. Song, sẽ khó có thể trả lời được câu hỏi Covid-19 sẽ còn làm bao nhiêu người nhiễm và bao nhiêu ca tử vong trên toàn thế giới.
Hiện tại, ở Mỹ, các chuyên gia đề nghị chính phủ nước này nên căn cứ tỷ lệ nhập viện và số ca tử vong khi xem xét ban hành các biện pháp hạn chế, bởi việc cập nhật số ca nhiễm hằng ngày không còn ý nghĩa nữa. “Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn SARS-CoV-2. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ nên cân nhắc quá trình xem Covid-19 là bệnh đặc hữu và tập trung vào mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên số người nhập viện và số ca tử vong”, các chuyên gia y tế công cộng tại Đại học Portland nói.
TS. Anthony Fauci cũng hướng đến việc kiểm soát virus theo cách “không làm gián đoạn xã hội, không gây đứt gãy cho nền kinh tế”. Có nhiều cơ sở để các chuyên gia tin rằng có thể kiểm soát được Covid-19 trong năm 2022, bởi những công cụ hiệu quả đang được áp dụng trong việc phòng, chống dịch như: khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm, vắc-xin và phương pháp điều trị. Hơn nữa, WHO đánh giá nguy cơ lây lan dịch do biến thể Omicron là “rất cao” nhưng nhận định rằng những dữ liệu ban đầu dường như cho thấy biến thể này không gây ra tình trạng mắc bệnh nặng như Delta.
VĨNH AN