Quốc tế
Thế giới tuần qua: Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa; Đàm phán giữa Nga và Mỹ, NATO bế tắc
Tình hình thời sự thế giới tuần qua chủ yếu xoay quanh sự kiện Triều Tiên phóng nhiều tên lửa cùng với việc Nga tuyên bố hết kiên nhẫn khi đàm phán với Mỹ và Nga gặp bế tắc.
Triều Tiên phô diễn sức mạnh tên lửa
CHDCND Triều Tiên ngày 15-1 thông báo trung đoàn tên lửa đường sắt của quốc gia này đã tiến hành tập trận một ngày trước đó và phóng thành công hai tên lửa dẫn đường chiến thuật vào một mục tiêu đã định ở Biển Nhật Bản.
Trung đoàn tên lửa đường sắt Triều Tiên phóng tên lửa từ tàu hỏa tại tỉnh Bắc Pyongan. Ảnh: KCNA/TTXVN |
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin trung đoàn tên lửa ở tỉnh Bắc Pyongan giáp Trung Quốc đã tổ chức cuộc diễn tập nhằm kiểm tra mức sẵn sàng chiến đấu. Sự kiện ngày 14-1 đánh dấu vụ thử tên lửa sử dụng bệ phóng đường sắt lần thứ hai của Triều Tiên kể từ tháng 9-2021.
Đây cũng cuộc phô diễn sức mạnh tên lửa thứ ba của quốc gia Đông Á này trong năm nay. Cụ thể, Bình Nhưỡng đã bắn tên lửa siêu vượt âm vào ngày 5-1 và 11-1. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng ngày 11-1 có thể bay theo quỹ đạo bất thường với tốc độ lên tới Mach 10, tức nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh.
KCNA cho biết: "Trung đoàn đã nhận được một nhiệm vụ hỏa lực theo thông báo ngắn từ Bộ Tổng tham mưu vào sáng 14-1 trước khi nhanh chóng di chuyển đến bãi bắn và tấn công chính xác mục tiêu đã định ở Biển Nhật Bản bằng hai tên lửa dẫn đường chiến thuật".
KCNA cho biết thế trận chiến đấu của đơn vị đã thể hiện khả năng cơ động cao, đồng thời tỷ lệ trúng đích trong cuộc diễn tập cũng được đánh giá cao.
Cuộc tập trận có sự giám sát của các sĩ quan chỉ huy Quân đội Nhân dân Triều Tiên và các quan chức hàng đầu của Học viện Khoa học Quốc phòng. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham dự hay không không được đề cập đến.
Hình ảnh về vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên được phát trên truyền hình Hàn Quốc ở nhà ga Seoul ngày 14-1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn thông tin từ quân đội nước này cho hay các đầu đạn mới nhất của Triều Tiên, được phóng từ khu vực Uiju, đã bay khoảng 430 km ở độ cao 36 km và đạt tốc độ tối đa Mach 6, tức nhanh gấp sáu lần tốc độ âm thanh.
Giới quan sát nhận định tên lửa này dường như là loại KN-23 được mô phỏng theo tên lửa đạn đạo di động Iskander của Nga. Tên lửa KN-23 sử dụng công nghệ tránh bị đánh chặn nên gây khó dễ cho hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc.
Cuộc tập trận ngày 14-1 đã cho thấy nỗ lực của Triều Tiên trong kế hoạch đa dạng hóa các bệ phóng nhằm nâng cao khả năng sống sót của tên lửa, cũng như khiến chúng trở nên khó phát hiện hơn.
Theo Mỹ và các đồng minh, tất cả các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên đều vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ Bình Nhưỡng bị cấm phát triển hoặc thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo.
Sau hai vụ phóng tên lửa mà Triều Tiên tuyên bố là "tên lửa siêu vượt âm", ngày 13-1, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 6 quan chức Triều Tiên, do liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cùng ngày, các quan chức quốc phòng cấp cao của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đã điện đàm thảo luận về các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác an ninh ba bên.
Đáp lại động thái này của Mỹ, Triều Tiên cảnh báo sẽ cho thấy hành động đáp trả cứng rắn hơn và rõ ràng hơn, nếu Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với họ. Trong một diễn biến liên quan, ngày 14-1, Bộ Ngoại giao Anh đã chỉ trích vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, coi đây là mối đe dọa đối với hòa bình khu vực, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động gây hấn này và quay trở lại đối thoại với Mỹ.
Nga hết kiên nhẫn với Mỹ, NATO
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 14-1 tuyên bố Moska đã hết kiên nhẫn sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao trong tuần qua với Mỹ và liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đạt được đột phá. Trước đó, ngày 10-1, Nga và Mỹ đã bắt đầu cuộc đàm phán kín về việc đảm bảo an ninh tại Văn phòng Phái đoàn thường trực Mỹ ở Geneva, Thụy Sĩ. Và hôm 12-1, Hội đồng Nga-NATO cũng tổ chức cuộc họp đầu tiên trong 2 năm qua tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, hai sự kiện đều không đạt được bước đột phá.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo tại Moskva, ngày 14-1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng AP đưa tin Nga đã một lần nữa mạnh mẽ nhắc lại yêu cầu NATO không mở rộng phạm vi hoạt động về phía Đông, đồng thời khẳng định sẽ không chờ đợi phản ứng của phương Tây vô thời hạn. "Chúng tôi đã hết kiên nhẫn", Ngoại trưởng Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo.
Ông Lavrov đã mô tả yêu cầu của Moskva về việc NATO không mở rộng, cũng như không triển khai lực lượng tới Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác là điều cần thiết cho tiến trình của các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng tại Ukraine. Ông cho rằng việc triển khai các lực lượng và vũ khí của NATO gần biên giới của Nga đặt ra một thách thức an ninh cần phải được giải quyết ngay lập tức. Giới chức Moskva cũng cho rằng việc Mỹ và các đồng minh NATO không sẵn sàng đáp ứng các đề xuất quan trọng của Nga về đảm bảo an ninh đã khiến đàm phán đi vào ngõ cụt.
Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Moskva hy vọng Washington và NATO sẽ đưa ra phản hồi bằng văn bản đối với các yêu cầu vào tuần tới. Bên cạnh đó, Điện Kremlin cảnh báo rằng sự mở rộng của NATO đến Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua.
Lực lượng phòng vệ quốc gia Ukraine tham gia cuộc tập trận gần cảng biển Azov ngày 19-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về phần mình, Washington và các đồng minh kiên quyết từ chối yêu cầu của Moskva về việc ngừng mở rộng của NATO. Tuy vậy, các bên đã đồng ý để ngỏ khả năng tổ chức các đàm phán sâu hơn về kiểm soát vũ khí cùng với các biện pháp xây dựng lòng tin để giảm khả năng xảy ra xung đột.
Theo đài Sputnik, tối 14-1, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ Mỹ và NATO sẵn sàng gặp Nga một lần nữa, đồng thời cam kết theo đuổi chính sách ngoại giao và đối thoại có đi có lại. Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cơ hội tiếp tục đàm phán phụ thuộc vào phản ứng của phương Tây đối với các đề xuất của Moskva.
Đàm phán giữa các bên tại Geneva và Brussels vào tuần qua diễn ra trong bối cảnh truyền thông quốc tế ước tính khoảng 100.000 binh sĩ Nga cùng xe tăng và vũ khí hạng nặng đang tập trung gần biên giới phía Đông Ukraine. Chính quyền Ukraine và phương Tây cho rằng việc Nga tăng cường binh sĩ gần biên giới Ukraine nhằm tiến hành một cuộc tấn công quân sự nên đã hối thúc Nga giảm leo thang bằng cách kéo quân về các căn cứ thường trực. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã phủ nhận kế hoạch này, đồng thời nêu rõ Moskva có quyền tự do triển khai lực lượng trên lãnh thổ của mình bất cứ khi nào cần thiết.
Theo Baotintuc.vn