Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi đối thoại sau khi CHDCND Triều Tiên phóng vật thể nghi tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản ngày 5-1. Động thái mới nhất của Bình Nhưỡng cho thấy còn chặng đường dài để tiến đến đàm phán về một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Người dân Seoul (Hàn Quốc) xem thông tin Triều Tiên phóng tên lửa sáng 5-1. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) xác định Triều Tiên phóng vật thể lạ nghi tên lửa theo hướng Đông vào sáng 5-1 từ một địa điểm tại tỉnh Jagang ở miền Bắc và giáp với Trung Quốc. Jagang là khu vực mà Bình Nhưỡng từng phóng tên lửa siêu thanh Hwasong-8 hồi tháng 9-2021. Nếu vật thể bay được xác định là tên lửa, đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên kể từ tháng 10-2021, tương ứng với quyết tâm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong việc tăng cường quân sự để ứng phó với tình hình quốc tế bất ổn.
“Không nên từ bỏ hy vọng đối thoại”
Vụ phóng của Triều Tiên diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tham dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt tại thành phố biển Goseong, biên giới liên Triều. Theo Yonhap, ông Moon Jae-in cho rằng, vụ phóng làm dấy lên lo ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng thực hiện các nỗ lực đối thoại nghiêm túc nhất. “Chúng ta không nên từ bỏ hy vọng đối thoại nhằm khắc phục căn bản tình trạng căng thẳng. Nếu cả hai miền Triều Tiên phối hợp cùng nhau và xây dựng lòng tin thì một ngày nào đó sẽ đạt được hòa bình”, Tổng thống Moon Jae-in nói.
Hãng tin Reuters nhận định: Vụ phóng vật thể nghi tên lửa của Triều Tiên cho thấy những thách thức mà ông Moon Jae-in phải đối mặt trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm vào tháng 5 tới. Việc kết nối hai miền Triều Tiên bằng đường sắt cũng là trọng tâm các cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in vào năm 2018, nhưng những nỗ lực đó chưa đi đến đâu.
Bài phát biểu chào đón năm mới 2022 của ông Kim Jong-un không nhắc đến các tên lửa hay vũ khí hạt nhân nhưng nhấn mạnh rằng cần phải củng cố năng lực quốc phòng. Ông Kim cũng không đề cập những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tái khởi động đàm phán hay lời đề nghị đối thoại của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, điều đó không có nghĩa ông Kim Jong-un đóng cánh cửa ngoại giao. Tuy nhiên, vụ phóng vào đầu năm mới cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ gia tăng.
Mỹ vẫn chờ đàm phán
Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc đã họp khẩn ngay trong ngày 5-1 và bày tỏ lo ngại vụ phóng “diễn ra vào thời điểm mà sự ổn định cả bên trong và bên ngoài là cực kỳ quan trọng”, đồng thời kêu gọi Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết, “tên lửa đạn đạo” của Triều Tiên đã bay khoảng 500km. “Kể từ năm ngoái, Triều Tiên đã liên tục phóng các tên lửa và điều này thực sự rất đáng tiếc”, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu với báo giới.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc bom hạt nhân do Bình Nhưỡng tiến hành thời gian gần đây nhất là vào năm 2017, trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp gỡ Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump.
Từ tháng 9 đến tháng 11-2021, Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử nghiệm vũ khí mới, gồm cả tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm đó, Triều Tiên có thể đang gia tăng áp lực với các quốc gia liên quan để chấp nhận Bình Nhưỡng là nước sở hữu vũ khí hạt nhân và nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần tuyên bố sẵn sàng nối lại ngoại giao hạt nhân với Triều Tiên mà không cần “điều kiện tiên quyết”. Song, Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ. Giờ đây, mặc dù các đặc phái viên Hàn Quốc và Mỹ đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán hạt nhân, nhưng chặng đường để các bên trở lại bàn đối thoại dường như vẫn còn dài.
PHÚC NGUYÊN