Quốc tế

Căng thẳng Nga - Ukraine: Các nước thúc đẩy đàm phán

08:35, 28/02/2022 (GMT+7)

Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất làm trung gian đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan để giải quyết khủng hoảng.

Một lính biên phòng Ba Lan hỗ trợ người tị nạn Ukraine khi họ vừa qua cửa khẩu Korczowa ngày 26-2. Ảnh: AP
Một lính biên phòng Ba Lan hỗ trợ người tị nạn Ukraine khi họ vừa qua cửa khẩu Korczowa ngày 26-2. Ảnh: AP

Ngày 27-2, các cuộc giao tranh diễn ra ở thành phố Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine và thủ đô Kiev. Hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov khẳng định: Chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự, không gây tổn hại cho các cơ sở hạ tầng dân sự và xã hội tại Ukraine.

Ukraine từ chối đàm phán tại Belarus

Hãng tin Interfax cho biết, trong bài phát biểu ngày 27-2, Tổng thống Zelensky từ chối đề nghị của Nga tiến hành đàm phán tại Belarus - đồng minh của Moscow. Nhà lãnh đạo này cho rằng, Belarus đứng về phía Nga trong cuộc xung đột; đồng thời khẳng định Kiev muốn đàm phán với Moscow về việc chấm dứt giao tranh, nhưng cuộc đàm phán “nên được tổ chức ở địa điểm không thể hiện sự thù địch đối với Kiev” như: Warsaw (Ba Lan), Bratislava (Slovakia), Budapest (Hungary), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỹ), Baku (Azerbaijan). Trong khi đó, phái đoàn Nga bao gồm các quan chức Bộ Ngoại giao và Quốc phòng đã đến Belarus để sẵn sàng đối thoại.

Sau thông báo của ông Zelensky, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko kêu gọi Kiev ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng với Nga để Ukraine không đánh mất vị thế nhà nước của mình.

Phía Hungary - nước thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) lẫn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đề xuất trở thành trung gian trong đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói rằng, thủ đô Budapest là địa điểm an toàn cho cả hai phái đoàn đàm phán của Moscow và Kiev.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa các lực lượng của Moscow và Kiev. Tổng thống Zelensky yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles kiểm soát lối đi ra Biển Đen đối với các tàu chiến Nga. Song, các quan chức Ankara nói với truyền thông địa phương rằng, họ không đưa ra quyết định như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ tự coi mình là một bên trung lập và bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chiến dịch của Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Ukraine và ủng hộ tất cả nỗ lực có lợi cho việc giảm leo thang căng thẳng cũng như việc đạt được một giải pháp chính trị.

Liên Hợp Quốc sẽ tăng viện trợ nhân đạo

Chiến sự ở Ukraine khiến hàng trăm nghìn người dân nước này chạy qua các quốc gia láng giềng. Theo TTXVN, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Pawel Szefernaker ngày 26-2 ước tính trong 3 ngày xảy ra xung đột, khoảng 100.000 người đã vượt biên giới từ Ukraine sang Ba Lan. Tại thành phố Medyka ở miền nam Ba Lan, hàng nghìn người Ukraine đang chờ đợi xin quy chế tị nạn.

Sáng sớm 26-2, Cộng hòa Czech đưa những chuyến tàu đặc biệt chở những người Ukraine sống ở Czech đến khu vực biên giới với Ba Lan để tạo điều kiện cho họ gặp gỡ người thân từ trong nước vượt biên tránh chiến sự. Trong khi đó, Bulgaria điều 4 xe buýt đến thủ đô Kiev để sơ tán khoảng 250.000 công dân của mình.

Tại thị trấn biên giới Ubla của Slovakia, các nhà chức trách đã tiếp nhận những người tị nạn từ Ukraine. Chính phủ Slovakia ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước từ trưa 26-2 (giờ địa phương), tạo điều kiện thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hậu quả liên quan đến dòng người tị nạn. Slovakia dự kiến bắt đầu cấp quyền cư trú cho những người tị nạn từ Ukraine tại biên giới vào tuần này, nếu họ muốn ở lại.

Theo ước tính của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến hơn 120.000 người chạy sang các nước láng giềng như Ba Lan, Moldova, Romania, Hungary và Slovakia. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định tổ chức đa phương này sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân nước này.

ASEAN kêu gọi đối thoại
Theo TTXVN, ngày 27-2, Ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra tuyên bố kêu gọi tiến hành đối thoại giữa các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế tối đa và nỗ lực hết sức để theo đuổi đối thoại thông qua tất cả các kênh, bao gồm cả các biện pháp ngoại giao, nhằm kiềm chế tình hình. Chúng tôi tin rằng, vẫn còn nhiều khả năng cho một cuộc đối thoại hòa bình để ngăn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”.

VĨNH AN

.