Khủng hoảng Nga - Ukraine: Cơ hội cho đàm phán?

.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Pháp muốn làm trung gian giữa Moscow và Kiev để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn.

Người dân Ukraine lên xe buýt rời thủ đô Kiev. Ảnh: AP
Người dân Ukraine lên xe buýt rời thủ đô Kiev. Ảnh: AP

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang ngày thứ hai với một số vụ nổ ở thủ đô Kiev vào sáng sớm 25-2. Theo TTXVN, Ukraine cáo buộc Nga tấn công các khu dân cư bằng tên lửa, nhưng Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận điều này.

Phía Nga xác nhận họ đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở phía bắc Kiev, nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân hồi năm 1986. Các chuyên gia e ngại việc Nga kiểm soát Chernobyl có thể làm phát tán phóng xạ nguy hiểm, nhưng phía Moscow cho hay hiện mức phóng xạ tại khu vực này bình thường.

Hàng nghìn người Ukraine đã đến các quốc gia láng giềng ở Trung Âu để tránh chiến sự. Khu vực này thiết lập các điểm tiếp nhận và điều quân đội tới biên giới để hỗ trợ những người tị nạn.

Ukraine muốn đối thoại

Hãng tin RT của Nga cho biết, trong bài phát biểu từ Kiev sáng 25-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, ông sẵn sàng đàm phán về khả năng có một cơ chế trung lập cho Ukraine, nhưng quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này cần có sự bảo đảm an ninh. Nhà lãnh đạo Ukraine nhận định, đối thoại giữa Kiev và Moscow nhằm chấm dứt xung đột sớm muộn sẽ diễn ra, đối thoại được tổ chức càng sớm sẽ thì càng giảm thiểu thiệt hại.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, Moscow chỉ sẵn sàng đàm phán khi quân đội Ukraine đồng ý hạ vũ khí. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Nga không có ý định xâm chiếm Ukraine, mà chỉ muốn “phi quân sự hóa” nước láng giềng này, muốn người dân Ukraine được độc lập và tự do quyết định số phận của mình.

Theo trang tin Kiev Independent, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25-2 tuyên bố ông muốn làm trung gian giữa Nga và Ukraine để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn. Ông Macron là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Song, người đứng đầu Điện Élysée cho hay, cuộc điện đàm “không đạt được nhiều kết quả”.

Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán liên quan giữa Nga và Ukraine ở Minsk. Ông Lukashenko nói cần phải bắt đầu các cuộc đàm phán để ngăn chặn (đổ máu) ở Ukraine và ngăn chặn leo thang, nhưng Nga sẽ không bắt đầu đàm phán nếu các vấn đề dự kiến thảo luận không được thỏa hiệp trước. Ông chỉ ra các điều kiện của Nga rằng, phía Moscow đã gửi các yêu cầu cho NATO, Mỹ và Ukraine, khoảng 5-6 vấn đề, trong đó có 2-3 vấn đề liên quan Ukraine, bao gồm: phi quân sự hóa Ukraine, ngăn chặn việc Ukraine gia nhập NATO, chấm dứt các hành động thù địch ở hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk.

Mỹ và EU trừng phạt Nga

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới bao gồm phong tỏa tài sản các ngân hàng lớn của Nga và cắt giảm xuất khẩu công nghệ cao tới nước này. Ông Biden lưu ý, các biện pháp trừng phạt mới được phối hợp cùng châu Âu sẽ ngăn chặn các ngân hàng hàng đầu của Nga tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và “cắt giảm hơn một nửa mặt hàng nhập khẩu công nghệ cao của Nga”.

Ông Biden cho biết, các nhà lãnh đạo nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí xúc tiến “các gói trừng phạt cứng rắn” và các biện pháp kinh tế khác nhằm buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho hành động quân sự ở Ukraine. Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn để bảo đảm chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, bảo vệ người tiêu dùng. Song, theo ông Biden, các biện pháp trừng phạt Nga không bao gồm việc loại nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, mà chỉ giới hạn khả năng của Moscow trong giao dịch bằng đồng USD, euro và yen.

Phía Liên minh châu Âu (EU) để ngỏ phương án loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, xem đây là lựa chọn cuối cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine. Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, EU vẫn để ngỏ mọi phương án, ngoài các biện pháp trừng phạt đã được các thành viên thống nhất.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường EU về khủng hoảng Nga - Ukraine, các nhà lãnh đạo đã thông qua gói trừng phạt Nga do Ủy ban châu Âu đề xuất. Các biện pháp này liên quan lĩnh vực tài chính, năng lượng, vận tải và thương mại, cũng như việc đình chỉ du lịch miễn thị thực tới châu Âu đối với các nhà ngoại giao Nga, nhưng không bao gồm việc loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Các nước châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Úc, New Zealand cũng thông báo các biện pháp trừng phạt Nga. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố nước ông có kế hoạch đóng băng tài sản, ngừng cấp thị thực cho những cá nhân và tổ chức của Nga. Ngoài ra, Tokyo sẽ cấm xuất khẩu cho Nga và các tổ chức liên quan đến quân đội Nga các loại hàng hóa như chất bán dẫn và các mặt hàng trong danh sách hạn chế dựa trên các thỏa thuận quốc tế.

Úc thông báo thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công dân Nga hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và các nhà lập pháp Nga. New Zealand cũng áp đặt lệnh cấm đi lại có chủ đích đối với công dân Nga và cấm giao dịch hàng hóa với quân đội nước này.

PHÚC NGUYÊN

Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế

Ngày 25-2, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng mới đây tại Ukraine và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay: “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới.

Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn.

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân”.

TTXVN

Giá dầu tăng gần 3%

Trong phiên giao dịch chiều 25-2, giá dầu thế giới tăng gần 3% trước những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung toàn cầu do tác động của các lệnh trừng phạt thương mại đối với Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,81 USD hay 2,8% lên 101,89 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,37 USD hay 2,6% ở mức 95,18 USD/thùng. Trước đó, ngày 24-2, giá dầu thế giới tăng vọt hơn 8%, vượt ngưỡng 105 USD/thùng, mức tăng cao nhất kể từ năm 2014.

Theo ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), do lo ngại về tình hình căng thẳng tại Ukraine, các nhà đầu tư ở châu Á đã đổ xô mua dầu, khiến giá dầu một lần nữa tăng cao. Chuyên gia này nhận định, căng thẳng ở Ukraine tiếp tục khiến giá dầu thế giới tăng lên trong thời gian tới, đơn cử như giá dầu Brent sẽ biến động khoảng 90-100 USD/thùng trong vài tuần nữa.  

Trong khi đó, chuyên gia phân tích của Commonwealth Bank (Úc) Vivek Dhar cho biết, thị trường dầu đặc biệt dễ bị tổn thương trước những “cú sốc” về nguồn cung khi lượng dầu dự trữ toàn cầu đang ở mức thấp nhất trong 7 năm qua. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) cũng có khả năng không đạt được các mức sản lượng mục tiêu đã đề ra.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.