Quốc tế
Khủng hoảng Ukraine: Hy vọng giải pháp ngoại giao
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại biên giới Nga - Ukraine vẫn được xúc tiến nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến tranh, trong lúc Moscow có những động thái giảm căng thẳng.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 15-2 cho thấy các xe tăng quân sự của nước này sẵn sàng trở về căn cứ thường trực sau các cuộc tập trận trong phạm vi lãnh thổ Nga. Ảnh: AP |
Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 16-2 xác nhận các cuộc tập trận tại bán đảo Crimea đã kết thúc và binh sĩ nước này đang trở lại các đơn vị đồn trú. “Các đơn vị của Quân khu phía Nam sau khi hoàn thành các cuộc tập trận chiến thuật đang di chuyển đến các điểm đóng quân thường trực”, thông báo nêu.
Đài truyền hình nhà nước Nga công bố hình ảnh các đơn vị quân đội băng qua một cây cầu nối với bán đảo Crimea để vào lục địa. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, xe tăng, xe bộ binh và pháo binh đã rời bán đảo Crimea bằng đường sắt.
Trước đó, ngày 15-2, Nga thông báo đang rút một số lực lượng gần biên giới Ukraine về căn cứ, đánh dấu bước quan trọng đầu tiên nhằm giảm leo thang căng thẳng với phương Tây. Bộ Quốc phòng Nga còn công bố đoạn phim nhằm chứng minh họ đang đưa một số binh sĩ trở về căn cứ.
Tuy nhiên, theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, hơn 150.000 binh sĩ Nga vẫn hiện diện gần biên giới Ukraine. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng khẳng định, ông không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc Nga đang giảm quân số và vai trò xung quanh Ukraine.
Nga không tiết lộ số lượng binh sĩ và vũ khí được rút về các căn cứ. Song, phát biểu trong cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở thủ đô Moscow ngày 15-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin hàm ý rằng, ông muốn con đường ngoại giao để giải quyết khủng hoảng và nhà lãnh đạo này cũng chưa cam kết rút quân hoàn toàn.
Theo AP, Tổng thống Putin nhấn mạnh việc sẵn sàng tiếp tục làm việc với phương Tây nhằm giảm căng thẳng với Ukraine; Nga không muốn chiến tranh và sẽ dựa vào đàm phán để đạt được mục tiêu then chốt là ngăn Kiev gia nhập NATO. “Chúng ta muốn có chiến tranh không? Dĩ nhiên là không. Chúng tôi đã chuyển đề xuất về một quá trình đàm phán mà kết quả của nó phải là bảo đảm an ninh bình đẳng cho tất cả các bên, trong đó có Nga. Nhưng không may, Moscow vẫn chưa nhận được câu trả lời thực chất, mang tính xây dựng về các đề xuất của mình”, ông Putin nói.
Như vậy, việc Nga phát đi tín hiệu sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phương Tây mang đến hy vọng về một giải pháp ngoại giao để tháo gỡ khủng hoảng. Những thông điệp “không muốn chiến tranh”, “sẵn sàng tiếp tục đối thoại” đã được cả hai nhà lãnh đạo Nga và Đức phát đi. Điện Kremlin cũng nhiều lần khẳng định không có kế hoạch tấn công Ukraine và Moscow có quyền điều động binh sĩ trong lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp. Các quan chức Nga coi tuyên bố rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sai lầm khi đồn đoán về một cuộc tấn công quân sự của Moscow. Thậm chí, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, việc rút quân chỉ đơn giản là “thực hiện theo kế hoạch”.
Những nỗ lực ngoại giao ít nhiều đang mang lại một số kết quả, xuất phát từ chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Nga và Ukraine; chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz lần lượt đến Kiev và Moscow; hay việc các bộ trưởng Anh đến Nga; rồi một loạt cuộc điện đàm giữa các nhà lãnh đạo Nga và các nước…
Tuần này, khi Tổng thống Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko gặp gỡ thì sẽ có thêm thông tin về thời điểm kết thúc cuộc tập trận Belarus và thời điểm binh sĩ Nga về nước.
Cơ hội giải quyết hòa bình đối với căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây đang được mở ra trên bàn đàm phán. Vậy thì điều gì sẽ xảy ra? Các nhà phân tích cho rằng, vẫn phải chờ những động thái tiếp theo và thiện chí của các bên liên quan trước 2 kịch bản: hạ nhiệt hay leo thang căng thẳng.
HOÀNG DƯƠNG