Ngày 11-2 vừa qua, Mỹ chính thức công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở” dài 19 trang. Đây là bước ngoặt có tầm quan trọng đặc biệt của Washington trong việc chuyển hướng chiến lược từ khu vực Trung Đông và châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với những thách thức, đe dọa đang ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò, vị trí, quyền lợi của cường quốc này.
Trong chiến lược, chính phủ của Tổng thống Joe Biden cam kết tăng cường vai trò của Mỹ nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế, xã hội. Chính phủ của Tổng thống Biden cũng lưu ý, để xây dựng “năng lực tập thể” với các đồng minh và đối tác nhằm giải quyết những thách thức, Mỹ sẽ tăng cường phối hợp với 5 nước đồng minh hiệp ước trong khu vực với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan, đồng thời củng cố quan hệ với các đối tác khu vực quan trọng khác.
Trong đó, mối quan hệ giữa các nước thành viên nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD - gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) được củng cố để giải quyết các vấn đề quan trọng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chẳng hạn như ứng phó với đại dịch Covid-19 và hợp tác về chuỗi cung ứng. Mỹ cũng sẽ tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á và các khu vực khác. Ngoài ra, Mỹ sẽ củng cố khả năng răn đe trước những động thái gây hấn quân sự nhằm vào nước này cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Cùng thời điểm công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ ngày 7 đến 13-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Úc và Fiji để thảo luận với các đồng minh cũng như đối tác nhằm thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời chứng minh những quan hệ đối tác này mang lại hiệu quả.
Tại Úc, ông Blinken tham dự Hội nghị Ngoại trưởng QUAD từ ngày 9 đến 12-2, với các nội dung chính: thúc đẩy hợp tác cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19, hỗ trợ nhân đạo/cứu trợ thảm họa, an ninh hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng, chống thông tin sai lệch, đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển các công nghệ mới nổi. Ông Blinken gặp Thủ tướng nước chủ nhà Scott Morrison và những người đồng cấp của 3 nước cùng các quan chức cấp cao khác để thảo luận về một loạt ưu tiên song phương và toàn cầu.
Tại Fiji, ngày 12-2, ông Blinken gặp gỡ các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương để thảo luận về biến đổi khí hậu, ngăn chặn đại dịch Covid-19, cứu trợ thiên tai, các cách thức tăng cường cam kết chung đối với dân chủ, đoàn kết khu vực và thịnh vượng ở Thái Bình Dương. Gặp Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, ông Blinken thảo luận về việc tăng cường cam kết song phương, các cách thức thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Trong chặng dừng chân cuối cùng tại Honolulu, thủ phủ bang Hawaii (Mỹ), Hội nghị Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn đã diễn ra vào ngày 12-2 nhằm tăng cường hợp tác về vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Tuy không đề cập mối đe dọa cụ thể nào nhưng trước các động thái nói trên của Mỹ, Trung Quốc đã phản ứng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng, việc Mỹ sử dụng thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” để thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang ý đồ xấu; cái gọi là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ đưa ra là “nói một đằng, làm một nẻo”?!
Theo ông Uông Văn Bân, chiến lược tuyên bố thúc đẩy “tự do và rộng mở” trong khu vực nhưng thực tế tạo ra một “vòng tròn khép kín” thông qua quan hệ đối tác an ninh 3 bên (AUKUS - thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ, Úc và Anh) và cơ chế Bộ Tứ - QUAD. Ngoài ra, ông Uông Văn Bân cho rằng, chiến lược tuyên bố thúc đẩy thịnh vượng nhưng lại gây ra sự đối đầu giữa các nước trong khu vực và tác động đến cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, đe dọa nghiêm trọng đến kết quả hợp tác khu vực và triển vọng phát triển trong tương lai?!
Trong khi đó, nhiều nước có phản ứng tích cực về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhằm góp phần đảm bảo an ninh và sự phát triển thịnh vượng của khu vực trước những thách thức ngày càng phức tạp.
TUYẾT MINH